Anh Tuấn cho biết vài năm gần đây bắt đầu có hiện tượng ngủ há miệng, ngáy to kèm theo tiếng thở hổn hển, người thân quan sát thấy có những đợt ngừng thở ngắn khi ngủ. Sáng dậy anh thường cảm thấy mệt mỏi, uể oải, ban ngày buồn ngủ, mất tập trung.
Ban đầu, anh nghĩ ngáy là điều bình thường, lại bị nhiều năm rồi nên cố chịu đựng. Tuy nhiên thấy vợ con mất ngủ vì tiếng ngáy quá to, anh quyết định đến BVĐK Tâm Anh Hà Nội khám.
PGS.TS.BS Chu Thị Hạnh, Trưởng khoa Hô hấp BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết qua đo đa ký giấc ngủ, bác sĩ kết luận anh bị ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (OSA) ở mức độ rất nặng, kèm theo giảm độ bão hòa oxy máu khi ngủ, có lúc giảm thấp nhất chỉ còn 49%.
"Bệnh có nhiều phương án điều trị nhưng với thể nặng như anh Tuấn, dùng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP) là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả nhất hiện nay ", PGS Hạnh nói. Máy thở CPAP tạo ra luồng không khí với áp suất vừa đủ để giữ cho đường hô hấp trên luôn thông thoáng, ngăn các cơ vùng họng chùng xuống gây hẹp đường thở dẫn đến ngáy và ngừng thở khi ngủ.
Bác sĩ hướng dẫn anh sử dụng máy thở mỗi đêm khi ngủ tại nhà. Ngay sau đêm đầu tiên, vợ con anh kể lại rằng tiếng ngáy đã giảm nhiều, bản thân anh ngủ ngon hơn, không còn tỉnh giấc giữa đêm.
Nhờ chế độ kết nối từ xa của máy thở, các bác sĩ có thể theo dõi và đánh giá hiệu quả sử dụng máy của người bệnh tại nhà và điều chỉnh khi cần thiết. Sau 2 tháng thở máy khi ngủ kết hợp với giảm cân, tập luyện thể thao, anh Tuấn không còn ngáy ngủ.
"Ban đầu tôi chưa quen nên thấy hơi bất tiện, quen rồi thấy rất thoải mái. Tôi hài lòng vì có được giấc ngủ ngon và không còn gây phiền toái cho vợ con", anh Tuấn kể.
Trường hợp khác, bà Nguyễn Thị Liên (56 tuổi, Nghệ An) bị ngủ ngáy nhiều năm, ngủ không sâu giấc, hay thức dậy ban đêm, tiểu đêm nhiều lần. Người bệnh có bệnh nền tăng huyết áp và tiểu đường nhưng không được kiểm soát tốt. Qua đo đa ký hô hấp, bác sĩ phát hiện bà bị hội chứng ngừng thở khi ngủ do tắc nghẽn mức độ nặng. Sau sử dụng máy thở áp lực dương CPAP tại nhà, bà Liên ngủ ngon hơn, không còn ngủ ngáy, giấc ngủ sâu và khoan khoái hơn, huyết áp ổn định.
Theo PGS Hạnh, cả hai trường hợp người bệnh đều hết ngủ ngáy nhờ sử dụng máy thở trong lúc ngủ, qua đó giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, chỉ số huyết áp so với trước điều trị.
PGS Hạnh cho biết khoảng 75% người ngủ ngáy mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, nhưng rất ít người bệnh được phát hiện do tâm lý chủ quan, cho rằng ngáy là bình thường, không đáng ngại nên không cần khám hay điều trị.
Ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn đường thở (OSA) là một rối loạn hô hấp và giấc ngủ nguy hiểm. Đặc trưng của bệnh là các cơn ngừng thở, giảm thở trên 10 giây dẫn đến tỉnh giấc đột ngột, có thể kèm theo giảm oxy máu và tiếng ngáy to, gây gián đoạn giấc ngủ. Thay vì thức dậy trong trạng thái khỏe khoắn như người bình thường, người bệnh đau đầu, mệt mỏi, ban ngày buồn ngủ và mất tập trung, có nguy cơ gặp tai nạn trong lao động và sinh hoạt. Nếu không điều trị, người bệnh có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, đau tim, xơ vữa mạch máu, tiểu đường, thậm chí đột tử ngay trong khi ngủ.
Nếu ngủ ngáy đơn thuần không kèm mắc ngưng thở khi ngủ, bác sĩ sẽ tư vấn người bệnh giảm cân nếu thừa cân, tập luyện thể thao, bỏ các thói quen sinh hoạt có hại như: thuốc lá, uống rượu bia hay dùng thuốc an thần, có thể nằm nghiêng khi ngủ để giảm ngáy...
Trường hợp ngủ ngáy có ngưng thở khi ngủ, phương án điều trị bằng máy thở CPAP là thành công hiện nay. Người bệnh sử dụng máy thở CPAP tại nhà dưới sự theo dõi chặt chẽ từ xa của bác sĩ, có thể giảm trên 90% ngáy, đưa chỉ số ngưng thở - giảm thở (AHI) về bình thường, từ đó làm giảm nguy cơ biến chứng bệnh mạch vành và đột quỵ.
"Tại BVĐK Tâm Anh, 97% người bệnh hết ngủ ngáy sau khi điều trị với máy thở kết hợp chế độ ngủ nghỉ khoa học", PGS Hạnh cho biết.
Trong một số trường hợp, các bác sĩ lựa chọn phương án phẫu thuật điều trị ngủ ngáy - ngưng thở khi ngủ, chủ yếu ở người không thể dung nạp được với thở máy hoặc có các bất thường vùng mũi họng. Các bệnh lý tai mũi họng gây ngáy thường là lệch vách ngăn mũi, phì đại amidan, màn hầu thấp, khe họng hẹp hay bất thường giải phẫu vùng hàm mặt ở trẻ có dị tật bẩm sinh... Phẫu thuật cắt amidan, nạo VA, cắt cuốn mũi hay chỉnh hình màn hầu, lưỡi gà... có thể điều trị khỏi ngủ ngáy trong những trường hợp này.
Hoài Phạm
|