ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao và Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, tổn thương dây chằng là một trong những chấn thương thể thao phổ biến nhất, đặc biệt là trong bóng đá. Sự thay đổi hướng đột ngột trong các thao tác dẫn bóng, chuyền bóng, đá bóng... làm dây chằng căng quá mức và dẫn đến đứt, rách. Đồng thời, sự tranh chấp bóng, té ngã cũng có thể gây tổn thương dây chằng. Tùy theo mức độ chấn thương mà người chơi sẽ cảm thấy sưng đau, giảm tầm vận động.
Để hạn chế chấn thương dây chằng do môn thể thao này mang lại, người chơi nên khởi động kỹ, đặc biệt là ở đầu gối và cổ chân; mang giày phù hợp, sử dụng trang bị bảo hộ cho ống chân và đầu gối; đảm bảo thực hiện đúng kỹ thuật khi di chuyển ở tốc độ cao, hạn chế những chuyển động đột ngột; dành khoảng 5-10 phút để kéo giãn cơ nhẹ nhàng sau khi kết thúc trận đấu; xây dựng chương trình tập luyện nâng cao dần theo thời gian để tránh vận động quá sức một cách đột ngột...
Bên cạnh bóng đá, một số môn thể thao khác cũng thường gây chấn thương dây chằng như:
Chạy đường dài, mặt đất gồ ghề, đi xuống dốc, đi giày đế mòn hoặc người chạy có phần hông yếu... là các nguyên nhân thường gặp dẫn đến hội chứng dải chậu chày. Lúc này, dây chằng bị cọ sát vào xương đầu gối, gây sưng viêm và đau. Người chạy bộ còn đối mặt với nguy cơ bong gân và trật khớp mắt cá chân. Tình trạng này xảy ra khi người chạy cuộn, xoắn, xoay khớp đột ngột, làm cho các dây chằng giữ xương mắt cá nằm đúng vị trí bị kéo giãn hoặc xé rách.
Nhằm giảm nguy cơ chấn thương, người chạy cần đảm bảo chỉ tăng tối đa 10% số km đường chạy mỗi tuần để không buộc cơ thể hoạt động quá sức một cách đột ngột. Trong quá trình chạy, cần chọn đường chạy bằng phẳng, tránh các điểm có dốc, đèo, gập ghềnh khó di chuyển; chọn giày chạy vừa chân, có độ bám tốt và không để mất nước khi tập luyện...
Đạp xe
Người đi xe đạp cũng có nguy cơ cao mắc hội chứng dải chậu chày. Tình trạng này thường bắt đầu với các cơn đau nhẹ, sau đó tăng lên khi không được điều trị kịp thời. Cơn đau xuất hiện bên ngoài đầu gối, đùi trong, hông, háng và mông... Ngoài ra, khi đạp xe quá sức, sai tư thế, chở vật nặng quá sức cũng có thể gây bong gân mắt cá chân.
Đảm bảo chiều cao yên xe phù hợp với chiều cao của người đạp, ngâm chân với nước ấm sau mỗi lần tập để thúc đẩy lưu thông máu,... là những phương pháp hiệu quả giúp giảm nguy cơ tổn thương dây chằng khi đạp xe.
Bóng rổ
Bóng rổ là môn thể thao đòi hỏi những động tác dừng, đi, nhảy diễn ra liên tục. Các động tác này đều rất dễ gây tổn thương dây chằng và sụn chêm đầu gối. Ngoài ra, việc di chuyển, bật nhảy liên tục, đảo bóng, chuyển hướng đột ngột với tốc độ cao khi chơi bóng rổ còn có thể làm tổn thương gân Achilles, dẫn đến viêm, thoái hóa hoặc suy yếu gân. Nếu không chữa trị kịp thời, sẽ dẫn đến rách, đứt gân.
Bên cạnh việc khởi động kỹ trước khi bắt đầu, để phòng ngừa chấn thương, người chơi bóng rổ nên đảm bảo kiểm soát tốt sức mạnh và tốc độ, thực hiện các động tác đúng kỹ thuật, đeo dụng cụ hỗ trợ bảo vệ cơ khớp...
Tennis
Khi chơi tennis, người chơi phải di chuyển theo phương ngang liên tục, đòi hỏi tính linh động cao trong các bước chân. Do đó, nếu khởi động không kỹ cơ và khớp trước khi bắt đầu, sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương các dây chằng ở đầu gối và cổ chân. Để giảm nguy cơ chấn thương khi chơi tennis, người chơi cần chọn vợt phù hợp với tay, độ căng dây, kích thước và trọng lượng của vợt; hạn chế vặn cổ tay quá mức khi tạt bóng; cầm vợt và di chuyển đúng tư thế...
Bác sĩ Vũ cho biết, khi bị chấn thương dây chằng, người chơi nên nghỉ ngơi và sơ cứu đúng cách. Nếu tình trạng đau nhức vẫn không thuyên giảm hoặc có dấu hiệu bất thường thì cần đến bệnh viện ngay để được thăm khám.
Phi Hồng