Cơ xương khớp VnExpress Sức khỏe Hợp tác cùng các chuyên gia đầu ngành

Giải đáp thắc mắc

* Vui lòng điền chính xác thông tin để nhận được tư vấn tốt nhất từ chuyên gia của Hệ thống BVĐK Tâm Anh.
Giới tính (*)

Hỏi đáp

Tôi bị ngón tay bật, ngón tay cò súng thì liệu trình điều trị bao lâu và chi phí bao nhiêu?

Ái Trinh, 57 tuổi, Hà Nội
THS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ

Chào bạn,
Với bệnh lý ngón tay cò súng, tùy thuộc vào mức độ bệnh, tính chất công việc, khả năng tuân thủ điều trị... bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị thích hợp. Hiện tại, với bệnh lý sẽ có hai phương pháp xử lý:
- Phương pháp điều trị bảo tồn: Bao gồm uống thuốc/chích nội gân và mang nẹp trong khoảng 7-10 ngày.
- Phương pháp phẫu thuật: Đây là loại phẫu thuật trong ngày, bệnh nhân có thể vận động gấp duỗi nhẹ nhàng ngón tay ngay sau khi phẫu thuật và có thể quay trở lại công việc sau 7-10 ngày sau khi vết thương hoàn toàn ổn định.
Chi phí điều trị sẽ phụ thuộc vào phương án xử lý tình trạng của bạn. Vì thế, lời khuyên dành cho bạn là nên đến các bệnh viện chuyên khoa chấn thương chỉnh hỉnh để được kiểm tra và tư vấn chi tiết về chi phí.
Chào bác sĩ, năm nay 41 tuổi, em mới sinh em bé được hơn 2 tháng. Khoảng 2 tuần trở lại đây tay chân em bị tê châm chích gây đau buốt các ngón tay, cổ tay, đi thấy thốn lòng bàn chân, ngực cũng đôi khi nhói đau, vai sau lưng em cũng tê và đau. Xin bác sĩ tư vấn giúp em. Em ...
Mỹ Linh Vũ, 41 tuổi, Hà Nội
THS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú

Chào bạn,
Tình trạng tê và châm chích tay chân thường gặp trong bệnh cảnh tổn thương rễ hoặc dây thần kinh. Để khảo sát chính xác vị trí tổn thương bạn cần được khám và đo điện cơ để phát hiện các vị trí tổn thương như chèn ép rễ thần kinh cổ hay thắt lưng; hay hội chứng ống cổ tay. Tình trạng thốn lòng bàn chân khi đi lại có thể gặp trong bệnh cảnh viêm cân gan chân, gai gót chân,... Riêng tình trạng đau nhói vùng ngực bạn cần khám thêm chuyên khoa tim mạch để loại trừ các nguyên nhân nguy hiểm nếu có. Đặc biệt, bạn vừa sinh em bé và đang trong giai đoạn cho con bú chính vì vậy không nên tự ý sử dụng các thuốc giảm đau vì có khả năng thuốc truyền qua sữa và ảnh hưởng đến trẻ. Chính vì vậy bạn cần đến thăm khám sớm và điều trị kịp thời để tránh các biến chứng mạn tính về sau.
Trân trọng

Xin Bác sĩ tư vấn cho tôi. Tôi muốn thay chỏm xương đùi. Tôi có Bảo hiểm y tế 95% ở Nghệ An thì thủ tục chuyển bảo hiểm y tế như thế nào? và ngoài bảo hiểm y tế thì tôi phải chi thêm ngoài bảo hiểm có nhiều không Bác sĩ ? Xin trân trọng cảm ơn.

Bùi Tiến Lợi, 47 tuổi, Nghệ An
THS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào bạn,
Trường hợp thay chỏm xương đùi hay còn gọi là thay khớp háng, BVĐK Tâm Anh là đơn vị sử dụng một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay, tức là thay khớp háng bằng đường mổ Superpath. Kỹ thuật này ít cắt cơ, giảm tổn thương mô nên người bệnh tránh được nguy cơ mất máu, nhanh hồi phục... Thay khớp háng superpath ở bệnh viện Tâm Anh được hưởng hoàn toàn bảo hiểm y tế, tức là được hoàn 80%.
Tuy nhiên không phải mọi chi phí đều được hưởng bảo hiểm y tế. Nếu không có bảo hiểm y tế, người bệnh cần chuẩn bị khoảng 130 triệu đồng. Nếu có bảo hiểm y tế, người bệnh tiết kiệm hơn 50 triệu, tức là chi phí vào khoảng 70 - 80 triệu đồng. Trong trường hợp bảo hiểm y tế của bạn được 95% sẽ còn được giảm hơn nữa. Để vào bệnh viện Tâm Anh mổ không cần giấy chuyển tuyến chỉ cần mang bảo hiểm y tế vào là được.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Nếu cần bác sĩ tư vấn thêm, bạn có thể post hình ảnh và câu hỏi của mình trong group của bác sĩ và Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Tâm Anh https://www.facebook.com/groups/152847930200166. Các bác sĩ sẽ trao đổi và tư vấn cho bạn nhanh hơn, bạn nhé.
Trân trọng

Chị tôi 27 tuổi bị viêm khớp dạng thấp được 3 năm, đang sử dụng thuốc giảm đau và truyền Actemra. Giờ mong muốn có em bé thì phải chuẩn bị thế nào? Và hiện tại Bv Đà Nẵng, Huế đã hết thuốc truyền thì phải làm sao để giảm cơn đau?

Lênan, 22 tuổi, TPHCM
THS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú

Chào bạn,
Actemra là một trong những thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp. Trong điều kiện hết thuốc để truyền thì có thể chuyển sang các thuốc sinh học khác như Adalimumab, Golimumab, Infliximab... nhằm kiểm soát triệu chứng và diễn tiến bệnh. Đối với việc chuẩn bị mang thai, có một số thuốc cần ngưng trước thời điểm thụ thai ví dụ như methotrexate cần ngưng ít nhất 3 tháng, leflunomide cần đo nồng độ trong máu trước khi thụ thai. 1 số thuốc sinh học như actemra cũng cần ngưng trước thời điểm mang thai... Chính vì vậy, để chuẩn bị mang thai thật tốt bạn cần đưa chị gái đi khám để có thể ngưng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và độc tính lên thai kì; đồng thời chuyển đổi sang các thuốc an toàn cho mẹ và bé. Mặc dù các bệnh nhân viêm khớp dạng thấp thường có hoạt tính bệnh ổn định trong thai kì tuy nhiên cần cố gắng điều trị để đạt được lui bệnh trước khi mang thai bởi vì thai phụ có hoạt tính bệnh cao còn có nguy cơ sinh ra trẻ nhẹ cân.

Tôi năm nay 57t, đã bị thoái hoá đĩa đệm 10 năm rồi.Tôi đã mổ đĩa đệm 9 năm trước. Hiện nay, tôi bị đau lại có nhu cầu muốn thay đĩa đệm nhưng hiện tại tôi đang mắc bệnh tiểu đường. Vậy cho bác sĩ cho tôi hỏi trường hợp của tôi có thể thay đĩa đệm được không và chi phí hết ...

Nguyễn Văn Mười, 57 tuổi, TPHCM
BS.CKI Kim Thành Tri

Chào chú,
Nếu thoát vị đĩa đệm bị tái phát lại và mức độ nặng cần phải can thiệp phẫu thuật lần 2 thì vẫn có thể phẫu thuật bình thường trên người bệnh có bệnh nền đái tháo đường. Trước khi phẫu thuật, các bác sĩ sẽ có đánh giá toàn diện bằng bộ xét nghiệm tiền phẫu. Nếu mức đường huyết trong giới hạn cho phép thì có thể phẫu thuật bình thường. Nếu vượt giới hạn, bác sĩ sẽ điều chỉnh sao cho an toàn nhất trong và sau phẫu thuật. Chi phí phẫu thuật tùy thuộc vào phương pháp phẫu thuật, số tầng đốt sống bị bệnh cần can thiệp và có bảo hiểm y tế hay không. Thông thường, cho phí cho phẫu thuật này dao động từ 50-120 triệu đồng.

Chào bác sỹ, tôi bị rách dây chằng chéo trước chân trái do đá banh và đã phẫu thuật nối tại bệnh viện 115 ( Sư Vạn Hạnh , TPHCM) khoảng 10 năm về trước. Thời gian đầu có tập khoảng 1 năm phục hồi rồi có chơi Tennis. Nghỉ năm vừa rồi do dịch thấy chân bị teo nhanh, nhỏ hơn rất nhiều so ...

Tran Dang Khoa, 46 tuổi, 2 Bát Nàn , Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức
THS.BS.CKI Đặng Khoa Học

Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình Tổng quát, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM

Chào anh,
Việc đầu tiên trước khi anh có thể chơi thể thao trở lại đó là kiểm tra lại độ vững của khớp gối. Sau cuộc mổ nối dây chằng tại bệnh viện 115, bác sĩ vẫn chưa có dữ kiện về tình trạng vận động sau đó của anh, anh có còn cảm giác lỏng gối, cảm giác đi lên xuống cầu thang mất vững. Nếu có, một nguyên nhân có thể giải thích cho tình trạng teo cơ của mình đó là mảnh ghép dây chằng lần phẫu thuật trước đã bị tiêu biến và không tạo thành dây chằng mới khiến cho gối trở nên mất vững trở lại.
Anh nên đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra lại trước khi bắt đầu tập vật lý trị liệu để phục hồi sức cơ đơn thuần.
Một số thông tin trao đổi cùng anh.
Chào các chuyên gia, cháu bị đau ở bàn chân trái, sau khoảng gần 1 tuần cháu khỏi chân trái thì lại đau sang bàn chân phải và được chuẩn đoán gout cách đây 2 tháng với chỉ số acid uric là 501 và ngay sau đó 1 ngày cháu đi kiểm tra lại ở 1 bệnh viện khác va cho ra chỉ số là ...
huy gia, 21 tuổi, hà nội
THS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú

Chào bạn,
Để chẩn đoán xác định bệnh gút, ngoài triệu chứng lâm sàng là những đợt sưng nóng đỏ đau khớp cấp tính, thường ở các khớp chi dưới thì cần làm thêm một số xét nghiệm để hỗ trợ chẩn đoán. Đầu tiên là xét nghiệm máu, người bệnh cần kiểm tra công thức máu, các chỉ số viêm như máu lắng, CRP, nồng độ acid uric máu. Đối với bệnh nhân bị đợt cấp viêm khớp gút, các chỉ số viêm thường tăng rất cao. Bên cạnh đó, nồng độ acid uric thường trên ngưỡng bình thường. Ngoài ra, bệnh nhân có thể làm thêm các chẩn đoán hình ảnh bao gồm siêu âm khớp, x-quang khớp vị trí đau nhằm tìm các dấu hiệu gợi ý sự lắng đọng tinh thể urat như hình ảnh đường đôi, xói mòn khớp, dày tăng sinh màng hoạt dịch và tăng tưới máu... Một số trường hợp khó và có tràn dịch khớp, soi tìm tinh thể urat trong dịch khớp sẽ giúp xác định chính xác bệnh.
Tình trạng viêm khớp gút có thể mang yếu tố gia đình. Điều này có nghĩa là bố mẹ bị viêm khớp gút thì con gia tăng nguy cơ bị viêm khớp gút. Trừ trường hợp gút do thiếu hụt enzyme hypoxanthine-guanine phosphoribosyltransferase, tăng hoạt men phosphoribosyl pyrophosphate synthetase là các tình trạng di truyền rõ thì hầu hết các tình trạng viêm khớp gút thường kết hợp cả yếu tố di truyền, môi trường, ăn uống... Chính vì vậy, để giảm nguy cơ bị gút cho con cái trong tương lai. Bạn cần thực hiện chế độ ăn lành mạnh, tránh rượu bia thuốc lá và đi khám ngay khi có triệu chứng sưng đau bất kì khớp nào để phát hiện bệnh sớm.

Em năm nay 31 tuổi. Em làm công nhân đóng bao, bê bao ở KCN Bảo Minh, Nam Định. Em muốn hỏi: mỗi ngày em bê khoảng 2 tấn hàng thì sau bao lâu em bị hỏng cột sống? Có phải đi khám cột sống thường xuyên không ạ?

Nguyen Ngoc Xuan, 31 tuổi, 91, thi tran goi, Vu Ban, Nam Dinh
BS.CKI Trần Xuân Anh

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,
Qua mô tả công việc của bạn khá nặng nhọc. Nhưng không rõ bạn bưng vác hàng như thế mỗi ngày bao nhiêu lâu, tư thế bưng hàng như thế nào và có đeo đai hỗ trợ hay không. Sau khoảng thời gian làm việc bạn có tập thêm thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe không.
Nếu bạn làm công việc nặng như thế trong thời gian dài, cột sống cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Do đó, bạn nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ để tầm soát phát hiện bệnh sớm nếu có.
Tùy theo tình trạng cột sống và yếu tố cá nhân khác, lúc đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp cho bạn.
Một số thông tin trao đổi cùng bạn.
Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào khác, bạn có thể gọi tổng đài của Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để đặt lịch khám trực tiếp với bác sĩ. Liên hệ Hotline Hà Nội: 1800 6858, TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ.
Nếu cần bác sĩ tư vấn thêm, bạn có thể post hình ảnh và câu hỏi của mình trong group của bác sĩ và Trung tâm Chấn thương chỉnh hình Tâm Anh
https://www.facebook.com/groups/152847930200166. Các bác sĩ sẽ trao đổi và tư vấn cho bạn nhanh hơn, bạn nhé.
Trân trọng!

Tôi năm nay 41 tuổi cách đây khoảng hơn 10 năm tôi bị đau kéo từ thắt lưng xuống mông xuống đùi xuống bắp chân.
Đi chụp x-quang bs chẩn đoán là đĩa đệm L3,L4 (lâu rồi tôi không nhớ chính xác)
Sau đó uống thuốc thì khỏi khoảng 99%,từ đó tới nay nếu lúc đứng rồi hơi cúi xuống lâu thì thấy mỏi ...

Kien Nguyen, 40 tuổi, Hà Nội
BS.CKI Trần Xuân Anh

Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, BVĐK Tâm Anh TP.HCM

Chào bạn,
Bạn có tiền căn thoái hoá cột sống thắt lưng. Do đó, nếu đau như miêu tả là do cột sống không được vững, có khả năng cao là do hư hại nặng mấu khớp và đĩa đệm. Tuy nhiên hiện không thấy có triệu chứng chèn rễ thần kinh. Lời khuyên của bác sĩ là bệnh nhân nên chụp X-quang cột sống thẳng nghiêng, gập ưỡn để qua sát kỹ vận động cột sống, tìm dấu hiệu mất vững. Nếu đau quá 2 tháng, bệnh nhân nên chụp cộng hưởng từ MRI để đánh giá tình trạng đĩa đệm. Sau kết quả chụp chiếu, bác sĩ mới có thể sẽ tư vấn phương án điều trị phù hợp.

Em chào các bác sĩ ạ. Em có câu hỏi là:
Em bị gãy 1/3 xương đùi dưới trái bây giờ đã liền xương. Nhưng do lâu ngày để bất động nó bị co gân và cứng khớp cổ chân với khớp gối ạ. Em hiện vẫn đang đi tập phục hồi chức năng mấy tháng rồi mà hai khớp đó vẫn cứng. Khớp gối ...

Vương Lee, 32 tuổi, Quận 2, TPHCM
THS.BS.CKI Lê Đình Khoa

Chào bạn,
Như chia sẻ, bạn bị gãy 1/3 dưới xương đùi đã điều trị và liền xương nhưng hiện hạn chế vận động khớp gối và khớp cổ chân.
Khớp gối cũng như khớp cổ chân là những khớp có cấu trúc giải phẫu khá phức tạp, với nhiều dây chằng nội tại cũng như các gân cơ ngoại lai băng qua vùng này. Các chấn thương gãy xương vùng quanh gối hay cổ chân thường dễ gây cứng, hạn chế vận động khớp. Nguyên nhân thường gặp do bất động lâu ngày dẫn đến hình thành mô xơ dính bên trong và xung quanh khớp hoặc co rút các gân cơ quanh khớp. Do đó việc tập vật lý trị liệu phục hồi chức năng sau điều trị các chấn thương quanh gối có vai trò rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng này.
Việc điều trị cứng khớp tùy thuộc vào nguyên nhân gây cứng cũng như mức độ giới hạn vận động khớp. Các phương pháp điều trị bao gồm tập trị liệu kết hợp các biện pháp siêu âm trị liệu, xung kích để phá mô xơ làm mềm khớp, điều trị phẫu thuật giải phóng khớp bằng mổ mở hoặc nội soi nhằm mục đích cắt lọc phá bỏ các mô xơ hoặc kéo dài gân cơ quanh khớp. Sau khi mổ bạn vẫn phải tiếp tục tập trị liệu vì khớp rất dễ bị cứng lại.
Bạn nên đến để bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình thăm khám và đưa ra phương án điều trị thích hợp với tình trạng của mình. Việc điều trị cứng khớp đòi hỏi thời gian dài kết hợp nhiều phương pháp phẫu thuật, tập vật lý trị liệu cùng các biện pháp hỗ trợ kể trên. Do đó, bạn nên kiên trì và cố gắng để phục hồi lại chứng năng và vận động khớp của mình. Chúc bạn mau chóng bình phục.
ĐĂNG KÝ KHÁM TẠI BVĐK TÂM ANH

Vui lòng điền đầy đủ thông tin để chúng tôi có thể hỗ trợ bạn