Gout là loại viêm khớp phổ biến, xảy ra do axit uric tích tụ trong khớp hoặc mô liên kết xung quanh. Vị trí thường gặp là khớp ngón chân cái, gây đau đớn và cản trở đi lại. Khi bệnh gout nghiêm trọng hơn có thể "tấn công" mắt cá chân, đầu gối và khuỷu tay.
Nếu gout không được điều trị và trở thành mạn tính sẽ xảy ra ở các vị trí khác, ít phổ biến hơn như ngón tay, cổ tay, mắt cá chân... và hiếm gặp là vai, hông. Trong một số trường hợp, tinh thể axit uric lắng đọng còn được phát hiện trong mô mắt và mô tủy sống, được gọi là bệnh gout cột sống. Bệnh gout cột sống thường xuất hiện dưới dạng đau lưng hoặc cổ.
Dù khớp nào bị ảnh hưởng, các triệu chứng của gout thường tương tự nhau. Khi bệnh bùng phát, người bệnh cảm thấy đau dữ dội và cứng ở các khớp bị ảnh hưởng, khớp sưng đỏ, nóng khi chạm vào. Tình trạng viêm do cơn gout tấn công cũng có khả năng ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể với biểu hiện sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và đau nhức.
Nếu bệnh gout kéo dài không được điều trị, các tinh thể axit uric có thể tích tụ bên dưới da tạo thành những cục nhỏ màu trắng hoặc vàng gọi là tophi. Chúng thường được tìm thấy trong mô mềm xung quanh khớp bị ảnh hưởng, trên khuỷu tay hoặc trên phần bên ngoài của tai. Tophi nếu không được điều trị sẽ dần phá hủy xương và sụn.
Bên cạnh tác động tới khớp, sự dư thừa axit uric còn có khả năng ảnh hưởng đến thận, như hình thành sỏi thận, dẫn đến các biến chứng. Nếu một người được chẩn đoán mắc bệnh gout, nồng độ axit uric tăng cao, nên kiểm tra chức năng thận.
Người bệnh gout cũng có thể bị cao huyết áp, bệnh động mạch vành hoặc suy tim. Dù bệnh gout không tấn công trực tiếp vào tim nhưng sự tích tụ của các tinh thể axit uric gây viêm, dẫn đến các cục máu đông, lâu ngày gây đau tim hoặc đột quỵ. Theo thời gian, gout còn có thể dẫn đến các biến chứng về thị lực như xuất hiện hạt tophi ở mí mắt, giác mạc và mống mắt, gây hội chứng khô mắt, viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể, làm giảm thị lực.
Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Người bệnh nên lưu ý những thay đổi trong lối sống hàng ngày, giúp kiểm soát axit uric như tránh đồ uống có cồn, tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh, hạn chế thực phẩm chứa nhiều purin, uống đủ nước và duy trì cân nặng khỏe mạnh.
Hải My (Theo Health Central)