Bệnh gout gây ra bởi các tinh thể nhỏ hình thành trong và xung quanh khớp do sự tích tụ axit uric trong máu. Bệnh giả gout (Pseudogout) còn được gọi là lắng đọng canxi pyrophosphate (CPPD), là một dạng viêm khớp thường ảnh hưởng đến đầu gối. Bệnh gây sưng tấy đột ngột và đau đớn ở một hoặc nhiều khớp, tương tự như bệnh gout. Các triệu chứng có thể xảy ra rất nhanh, đôi khi trong vài giờ và duy trì trong khoảng 3 đến 10 ngày.
Pseudogout được đặt tên như vậy vì sự tương đồng các triệu chứng lâm sàng của nó với bệnh gout. Tuy nhiên, giả gout được gây ra bởi một loại tinh thể khác gọi là canxi pyrophosphate. Ngoài ra, nó không liên quan đến chế độ ăn uống hoặc uống rượu như bệnh gout.
Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa hiểu rõ tại sao các tinh thể canxi pyrophosphate hình thành và không phải ai phát triển tinh thể trong khớp cũng sẽ bị đau hoặc sưng. Những đợt tấn công của Pseudogout có thể do sự giải phóng các tinh thể canxi pyrophosphate vào dịch khớp, thu hút các tế bào bạch cầu.
Các dấu hiệu khởi phát của Pseudogout gồm: các khớp nóng, đỏ và sưng, đau khi cử động..., thường phát triển đột ngột. Bệnh gout tạo ra các hạt tophi và các vết sưng trắng dưới da do chính những tinh thể gây ra có thể nhìn thấy được nhưng các vết sưng do tinh thể giả gout thường chỉ nhìn thấy bằng cách chụp X-quang.
Để chẩn đoán Pseudogout, bác sĩ phải loại trừ các tình trạng khác như: bệnh gout, viêm khớp dạng thấp và nhiễm trùng khớp. Các xét nghiệm máu, dịch khớp và chụp ảnh khớp (siêu âm, chụp X-quang, CT hoặc MRI) sẽ cho biết liệu các tinh thể canxi pyrophosphate có trong khớp hay không.
Tuổi tác ngày càng tăng được cho là yếu tố rủi ro chính đối với bệnh giả gout. Khoảng 3% người 60 tuổi và 50% người ở độ tuổi 90 sẽ bị ảnh hưởng bởi các tinh thể canxi pyrophosphate. Tiền sử chấn thương khớp hoặc gia đình mắc bệnh này cũng có thể góp phần vào nguy cơ phát triển giả gout. Bệnh cũng có thể xảy ra sau khi một người bị viêm phổi, đau tim, đột quỵ hoặc phẫu thuật. Giả gout cũng đã được phát hiện ở những người có vấn đề về tuyến giáp, có hàm lượng canxi và sắt cao, hay ở những người có vấn đề với tuyến cận giáp.
Không có phương pháp điều trị để loại bỏ các tinh thể trong khớp với Pseudogout. Các phương pháp điều trị thường tập trung vào việc kiểm soát triệu chứng hơn là loại bỏ bệnh. Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) thường được kê để giảm đau và sưng trong các đợt bùng phát cấp tính.
Đối với những bệnh nhân không thể dùng thuốc NSAID như người bị suy giảm chức năng thận, có tiền sử loét dạ dày, bệnh nhân đang dùng thuốc làm loãng máu, có thể rút dịch khớp hoặc tiêm corticosteroid vào khớp để điều trị đau và sưng. Trong những trường hợp nghiêm trọng và hiếm gặp, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế các khớp bị tổn thương do tình trạng Pseudogout gây ra.
Hải My (Theo News medical)