Cá hồi là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe tổng thể khi có giá trị dinh dưỡng cao. Axit béo omega-3 trong cá hồi là chất béo không bão hòa đa, giúp làm chậm quá trình lão hóa và chống viêm rất tốt. Cá hồi cũng là nguồn protein nạc tốt, ít chất béo bão hòa và cholesterol. Protein này giúp cơ thể hồi phục sau chấn thương, bảo vệ sức khỏe xương và duy trì khối lượng cơ bắp. Ngoài ra, cá hồi còn chứa nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất khác như nhóm vitamin B, kali, selenium...
ThS.BSNT Nguyễn Thị Ánh Ngọc, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết không chỉ có tác dụng kháng viêm tốt mà cá hồi còn tăng cường sức khỏe hệ cơ xương khớp, giảm huyết áp, cải thiện thị lực, giúp da chắc khỏe, ngăn ngừa ung thư... Tuy nhiên, so với nhiều các loại cá khác, cá hồi có hàm lượng purine cao hơn. Trung bình, trong 100 g cá hồi có chứa khoảng 150-850 mg purin. Vì vậy, những người mắc bệnh gout có chỉ số axit uric ở ngưỡng cao vừa phải (400-500 mmol/l) nên hạn chế ăn cá hồi, hoặc có thể ăn dưới 50-100 mg/ngày, không ăn vào lúc đói.
Bên cạnh cá hồi, người bệnh gout có thể ăn các loại cá khác như cá trích, cá thu, cá rô, cá diêu hồng... Các loại cá này có tác dụng chống lại quá trình kết tủa của axit uric, làm giảm nguy cơ bùng phát cơn đau do bệnh gout.
Người bệnh nên tránh các loại cá cơm, cá mòi, cá ngừ... Ngoài ra, dù ăn bất kỳ loại cá nào, người bệnh cũng cần lưu ý đến hàm lượng thủy ngân và purine trong cá. Để không làm tăng nồng độ axit uric, dẫn đến bùng phát cơn đau gout thứ cấp, người bệnh nên chọn các loại cá có dưới 100 mg purin trong 100g khẩu phần, chỉ ăn cá từ 1-2 lần mỗi tuần, chế biến dưới dạng hấp hoặc luộc.
Trong thực đơn hàng ngày, có thể bổ sung một số loại thực phẩm tốt cho người bệnh gout như trứng, ngũ cốc nguyên cám, trà xanh, cà phê... Cụ thể, trứng chứa rất ít purin nhưng cung cấp nhiều canxi cho xương; ngũ cốc nguyên cám như yến mạch, gạo lứt, lúa mạch chứa nhiều chất xơ, giúp ức chế tình trạng viêm do gout của các khớp. Trong khi đó, uống trà xanh với một lượng vừa đủ mỗi ngày giúp đẩy nhanh quá trình đào thải axit uric; cà phê chứa nhiều khoáng chất, polyphenol và caffein, không chỉ có tác dụng đẩy nhanh tốc độ đào thải axit uric mà còn làm giảm tốc độ hình thành axit này.
Bác sĩ Ánh Ngọc chia sẻ thêm, để kiểm soát tốt bệnh gout, người bệnh nên hạn chế các loại thực phẩm sau:
Thịt đỏ (bò, heo, dê...) có hàm lượng chất dinh dưỡng cao, chứa nhiều protein, vitamin E, B6, B12... Tuy nhiên, người bệnh gout chỉ nên ăn thịt đỏ đã được chế biến chín kỹ, tối đa 2 lần mỗi tuần, không quá 100 g mỗi ngày. Nguyên nhân là do thịt đỏ có hàm lượng protein rất cao và quá trình chế biến thịt đỏ sẽ làm tăng nồng độ axit uric, khởi phát cơn đau gout.
Các loại thịt chế biến sẵn như nem chua, thịt xông khói, xúc xích, lạp xưởng,... không tốt cho người bệnh gout. Vì vậy, người bệnh nên sử dụng thực phẩm tươi, tự chế biến để đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể.
Nội tạng động vật cũng là một loại thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng không thích hợp với người bệnh gout. Nội tạng chứa nhiều purine, gây tăng nồng độ axit uric trong máu, khiến bệnh trở nên trầm trọng, sưng đau nhiều hơn.
Hải sản như nghêu, sò, ốc... chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, bao gồm cả purine và protein nên người bệnh gout cần hạn chế ăn.
Một số loại rau củ: Rau xanh cung cấp nhiều vitamin rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, để tránh làm tăng axit uric trong máu, người bệnh nên hạn chế các loại rau củ quả và các loại đậu có hàm lượng purine cao như: đậu lăng, đậu đen, đậu phộng, đậu hà lan, đậu trắng, đậu xanh, cải xoăn, su hào....
Phi Hồng