Thoái hóa khớp gối là tình trạng lớp sụn nằm giữa các đầu khớp mài mòn. Xương của các khớp cọ xát với nhau mạnh hơn dẫn đến đau, sưng, cứng, giảm khả năng di chuyển và hình thành các gai xương ở vùng đầu gối.
Thoái hóa khớp là kết quả của lão hóa nên không thể phòng ngừa triệt để. Tuy nhiên, theo ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân, khoa Nội cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, tránh một số thói quen xấu dưới đây giúp làm chậm quá trình thoái hóa.
Ngồi xổm: Mỗi hoạt động tác động một lực nhất định lên khớp gối, trong đó ngồi xổm là tư thế gây áp lực lớn nhất. Khi đi bộ trên mặt đất bằng phẳng, trọng lực đè lên đầu gối tương đương 1,5 lần trọng lượng cơ thể. Nếu ngồi xổm, áp lực tác động lên khớp gối gấp 4-5 lần trọng lượng cơ thể. Nên tránh các tư thế ngồi xổm để buộc dây giày, nhặt đồ vật đánh rơi hoặc lau dọn nhà cửa.
Ngồi bắt chéo chân làm xương bánh chè cọ xát vào các xương khác, gây đau vùng trước khớp gối. Với người đau khớp gối, tư thế ngồi này làm cho các sụn đã thoái hóa tiếp tục bị đè xoắn, bệnh nghiêm trọng hơn.
Leo cầu thang, nhất là động tác xuống cầu thang, làm cho toàn bộ trọng lượng cơ thể đổ dồn xuống chân, tạo áp lực rất lớn cho khớp gối. Áp lực này có thể gấp 2-3 lần trọng lượng cơ thể. Người đã bị thoái hóa khớp gối nếu thường xuyên leo cầu thang khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
Mang giày cao gót tăng lực tác động lên xương bánh chè và các khoang bên trong đầu gối. Bác sĩ Vân dẫn nhiều nghiên cứu chứng minh thói quen đi giày cao gót có thể dẫn đến thoái hóa khớp gối. Mang giày cao gót còn làm thay đổi tư thế tự nhiên của cơ thể, ảnh hưởng đến cột sống và tạo áp lực lên khớp ở bàn chân, mắt cá chân, cổ chân, tăng nguy cơ thoái hoá khớp ở phái đẹp.
Ngoài ra, một số tư thế sinh hoạt khác cũng không tốt cho khớp gối như ngồi xếp bằng, quỳ gối...
Bác sĩ Vân cho biết khớp gối là nơi nâng đỡ toàn bộ sức nặng của cơ thể nên rất dễ tổn thương, viêm sưng. Vì vậy, để làm chậm quá trình này, bên cạnh tránh tư thế xấu, trong sinh hoạt hàng ngày cần lưu ý cân nặng, vận động, ăn uống phù hợp.
Duy trì cân nặng hợp lý, đảm bảo chỉ số khối cơ thể (BMI) dưới 23. Nếu trọng lượng cơ thể dư thừa tạo thêm áp lực lên đầu gối, thúc đẩy làm mòn sụn khớp nhanh hơn.
Kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định vì lượng glucose (đường) cao có thể ảnh hưởng đến cấu trúc và chức năng của sụn, tăng nguy cơ viêm và mất sụn.
Tập thể dục thường xuyên với cường độ vừa phải giúp các khớp dẻo dai, tăng cường sức mạnh các cơ hỗ trợ đầu gối và giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh lý mạn tính khác. Nên vận động 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần.
Giảm nguy cơ chấn thương bằng cách không mang vác vật nặng, chơi thể thao đúng kỹ thuật, mang giày vừa vặn và sử dụng đồ bảo hộ trong lúc tập luyện. Nghỉ ngơi đầy đủ, không cố gắng quá sức.
Ăn uống lành mạnh giúp giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề sức khỏe, bao gồm cả viêm khớp. Bổ sung thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng tốt cho phần sụn khớp như trái cây, rau xanh, các loại cá béo...
Khám sức khỏe định kỳ, tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi điều trị.
Phi Hồng