Trả lời:
Thoái hóa khớp gối là hiện tượng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp bị mài mòn. Lúc này, xương của các khớp cọ xát với nhau mạnh hơn dẫn đến đau, sưng, cứng, giảm khả năng di chuyển và đôi khi hình thành các gai xương ở vùng đầu gối.
Tùy vào mức độ nặng nhẹ, có những phương pháp điều trị khác nhau. Mục tiêu chính là giảm đau và phục hồi khả năng vận động cho người bệnh. Quá trình điều trị là sự kết hợp của những biện pháp sau:
Giảm cân giúp giảm tải trọng cho khớp gối, cải thiện đáng kể đau đầu gối do viêm xương khớp.
Tập thể dục đều đặn tăng cường độ linh hoạt cho các cơ xung quanh đầu gối, giúp khớp ổn định hơn, giảm đau.
Sử dụng thuốc giảm đau và thuốc chống viêm; tiêm corticosteroid hoặc axit hyaluronic vào đầu gối nếu có chỉ định.
Vật lý trị liệu giúp tăng cường cơ bắp và tăng tính linh hoạt cho khớp. Ngoài ra, bác sĩ hướng dẫn người bệnh cách thực hiện các hoạt động hàng ngày để ít gây đau khớp nhất.
Phẫu thuật được chỉ định khi thoái hóa khớp gối nặng, các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Một số phương pháp phẫu thuật phổ biến như nội soi khớp, phẫu thuật cắt xương, thay khớp hoặc tạo hình khớp. Trong đó, nội soi khớp là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, có các ưu điểm như ít tổn hại đến mô, xuất viện nhanh, giúp người bệnh sớm phục hồi.
Phẫu thuật cắt xương là thủ thuật nhằm thay đổi hình dạng của xương, từ đó làm cho khớp gối có sự liên kết chặt chẽ hơn. Phẫu thuật thay hoặc tạo hình khớp sẽ thay thế khớp bằng các bộ phận nhân tạo làm từ kim loại hoặc nhựa.
Để có phác đồ điều trị thích hợp, bạn nên đến gặp bác sĩ để được khám trực tiếp, thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết.
PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa
Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Độc giả có thắc mắc về bệnh khớp, gửi câu tại đây |