PGS.TS.BS Đặng Hồng Hoa, Trưởng khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết thoái hóa khớp là tổn thương thường gặp nhất trong hơn 100 loại tổn thương viêm khớp khác nhau. Không chỉ tuổi già, ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh. Theo số liệu thống kê của Hội Cơ Xương khớp Việt Nam, khoảng 30% người trên 35 tuổi, 60% người trên 65 tuổi và 85% người trên 80 tuổi bị thoái hóa khớp.
Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Gout: Thoái hóa khớp làm thay đổi sụn khớp, dẫn đến hình thành các tinh thể urat natri trong khớp, gây ra bệnh gout. Triệu chứng đặc trưng là đau khớp dữ dội, thường gặp ở khớp ngón chân cái, mắt cá chân, đầu gối, cổ tay và khuỷu tay.
Vôi hóa sụn khớp: Thoái hóa xương khớp hình thành các tinh thể canxi lắng đọng, gây vôi hóa sụn khớp làm cho tình trạng viêm trở nặng hơn. Người bệnh có thể xuất hiện những cơn đau cấp tính, gây khó khăn cho sinh hoạt hàng ngày.
Biến dạng khớp: Thoái hóa kéo dài làm cho khớp và sụn xơ vữa hoặc có thể xuất hiện gai xương, khiến khớp sưng to, biến dạng. Ngoài ra, thoái hóa khớp còn gây sưng đau, làm người bệnh hạn chế vận động. Về lâu dài có thể dẫn đến teo cơ, lệch trục các khớp và biến dạng khớp.
Tăng cân: Người bệnh có xu hướng ít vận động do đau đớn, dẫn đến nguy cơ tăng cân và béo phì. Khi trọng lượng cơ thể tăng, tiếp tục gây áp lực lên các khớp, làm tổn thương trầm trọng hơn.
Rối loạn giấc ngủ: Cơn đau làm cho người bệnh khó ngủ ngon, nếu kéo dài có thể dẫn đến suy nhược thần kinh, trầm cảm và lo âu.
Các biến chứng khác: Hoại tử xương, gãy xương, chảy máu hoặc nhiễm trùng trong khớp, tổn thương gân và dây chằng quanh khớp, đau dây thần kinh tọa do dây thần kinh bị chèn ép khi thoái hóa khớp xảy ra ở cột sống...
Bác sĩ Hoa cho biết thoái hóa khớp là bệnh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, nếu được kiểm soát đúng cách có thể giảm đáng kể các triệu chứng và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng.
Tập thể dục thường xuyên giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp và các khớp, cải thiện thể lực. Từ đó, điều chỉnh lại tư thế sinh hoạt, kiểm soát cân nặng, giảm căng thẳng và sưng đau, cứng khớp... Tuy nhiên để tránh xảy ra chấn thương, người bệnh nên tập luyện với cường độ hợp lý, thực hiện các động tác đúng tư thế, sử dụng dụng cụ bảo hộ đầy đủ, có thể tập luyện với hướng dẫn viên nếu cần thiết.
Dùng thuốc giảm đau, kháng viêm theo đường uống hoặc tiêm chích, kem bôi giúp cải thiện các triệu chứng.
Chườm nóng hoặc lạnh lên khớp có thể tạm thời làm giảm cơn đau và các triệu chứng khác của thoái hóa khớp ở một số người.
Xoa bóp, kéo căng các mô giúp giữ cho khớp dẻo dai và linh hoạt, tránh được tình trạng cứng khớp do hạn chế vận động.
Phẫu thuật thay khớp được chỉ định khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả hoặc khớp tổn thương quá mức. Thay khớp là phẫu thuật tái tạo khớp, có thể được áp dụng với hầu hết các khớp như ở gối, háng, ngón tay.
Bác sĩ loại bỏ phần khớp đã hư hại và thay vào đó phần khớp nhân tạo được làm bằng các vật liệu y sinh. Sau khi thay khớp, người bệnh có thể cảm nhận được bệnh giảm đáng kể và khôi phục khả năng vận động. Tuổi thọ của khớp nhân tạo có thể kéo dài 15-20 năm hoặc hơn.
Phi Hồng