Bệnh đái tháo đường type 1 thường được chẩn đoán ở trẻ em hoặc người trẻ nên có tên gọi khác là bệnh đái tháo đường vị thành niên. Tuy nhiên, bệnh cũng có thể khởi phát ở mọi lứa tuổi.
Nguyên nhân và triệu chứng
Bác sĩ CKI Phan Thị Thùy Dung khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết đái tháo đường type 1 chiếm 10% trong tổng số người mắc bệnh đái tháo đường. Nguyên nhân do tế bào beta ở tuyến tụy bị phá hủy khiến cơ thể không còn hoặc còn rất ít insulin, dẫn đến lượng đường trong máu không chuyển hóa thành năng lượng. Trong các nguyên nhân, 95% trường hợp do cơ chế tự miễn và 5% không rõ nguyên nhân. Với trường hợp do cơ chế tự miễn, hệ miễn dịch tấn công nhầm và phá hủy các tế bào có nhiệm vụ sản xuất insulin ở tuyến tụy. Người bệnh phải phụ thuộc nguồn insulin từ bên ngoài đưa vào.
Bệnh thường diễn tiến vài tháng đến vài năm trước khi các triệu chứng đầu tiên được chú ý. Bệnh có thể khá nghiêm trọng khi xuất hiện các triệu chứng như đi tiểu nhiều, khát nước và uống nước nhiều; giảm cân hoặc cảm thấy đói nhanh chóng, nhất là sau khi ăn; mệt mỏi, mờ mắt; thường xuyên bị nhiễm trùng da, đường tiết niệu hoặc âm đạo; cáu kỉnh hoặc thay đổi tâm trạng; đái dầm mới xuất hiện ở trẻ trước đó không có. Các dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng hơn bao gồm bứt rứt, lú lẫn; thở nhanh sâu; hơi thở có mùi trái cây (mùi táo chín...); đau bụng; mất ý thức (hiếm gặp).
Yếu tố nguy cơ và biến chứng
Bệnh ảnh hưởng như nhau ở cả hai giới. Yếu tố nguy cơ đái tháo đường type 1 không rõ ràng như đái tháo đường type 2. Tuy nhiên, người có một trong những yếu tố như dưới 20 tuổi, chủng tộc da trắng, có cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị đái tháo đường type 1 thì nguy cơ mắc bệnh này cao hơn.
Nếu bệnh đái tháo đường type 1 không được kiểm soát có thể gây ra các biến chứng lên các cơ quan chính trong cơ thể; có thể dẫn đến tàn tật hoặc nguy hiểm tính mạng. Cụ thể:
Bệnh tim và mạch máu: Bao gồm bệnh động mạch vành với đau ngực (đau thắt ngực), nhồi máu cơ tim, đột quỵ, hẹp động mạch (xơ vữa động mạch) và tăng huyết áp.
Bệnh thần kinh (tổn thương dây thần kinh): Lượng đường tăng cao trong máu lâu ngày có thể làm tổn thương thành mạch (thường là các mao mạch) nuôi các dây thần kinh; thường xảy ra ở chân với biểu hiện ngứa ran, tê, rát hoặc đau. Biểu hiện bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc ngón tay và lan dần lên trên. Đường huyết kiểm soát kém có thể khiến người bệnh mất dần cảm giác ở các chi và tăng dần ảnh hưởng theo thời gian. Tổn thương các dây thần kinh ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa có thể gây ra các vấn đề như buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc táo bón. Nam giới có thể bị rối loạn cương.
Bệnh thận đái tháo đường: Đái tháo đường có thể làm tổn thương các hệ thống mạch máu nhỏ ở thận. Các trường hợp nặng có thể dẫn đến suy thận hoặc bệnh thận giai đoạn cuối không thể hồi phục. Lúc này, người bệnh cần được điều trị bằng phương pháp lọc máu hoặc ghép thận.
Tổn thương mắt: Bệnh đái tháo đường type 1 có thể làm tổn thương các mạch máu trong võng mạc hay bệnh võng mạc đái tháo đường, có thể dẫn đến mù lòa. Bệnh đái tháo đường cũng làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng ảnh hưởng thị lực nghiêm trọng khác như đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp.
Bàn chân đái tháo đường: Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc giảm lưu lượng máu nuôi đến chân do hẹp mạch máu sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số biến chứng ở chân. Nếu không được điều trị đúng, các vết cắt và mụn nước có thể trở thành nhiễm trùng nặng, thậm chí dẫn đến cắt bỏ ngón chân, bàn chân hoặc chân (cắt cụt chi).
Nhiễm trùng da và miệng: Người bệnh đái tháo đường có thể dễ bị nhiễm trùng da và miệng hơn so với người không mắc bệnh. Tình trạng nhiễm trùng xảy ra do nhiễm vi khuẩn và nấm. Bệnh nướu răng và khô miệng cũng có thể xảy ra.
Các biến chứng khi mang thai: Lượng đường trong máu cao có thể gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Nguy cơ sẩy thai, thai lưu và dị tật bẩm sinh tăng lên khi đường huyết không được kiểm soát tốt. Đối với thai phụ, đái tháo đường làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton, các vấn đề về mắt do đái tháo đường (bệnh võng mạc) cũng thường nặng hơn trong thai kỳ, huyết áp cao do mang thai và tiền sản giật.
Điều trị
Bác sĩ Thùy Dung chia sẻ thêm, hiện tại, chưa có cách ngăn ngừa hiệu quả bệnh đái tháo đường type 1 nhưng có thể điều trị bằng cách: thực hiện lối sống lành mạnh; kiểm soát tốt lượng đường trong máu; kiểm tra sức khỏe định kỳ; tiếp cận được các kiến thức và được hỗ trợ cách tự quản lý bệnh đái tháo đường.
Người bệnh đái tháo đường type 1 cần sử dụng insulin ở dạng tiêm hoặc bơm tiêm tự động để ổn định lượng đường trong máu và cung cấp năng lượng cho cơ thể. Người bệnh không thể dùng insulin dưới dạng thuốc viên vì axit trong dạ dày sẽ phá hủy thuốc trước khi đi vào máu. Bác sĩ sẽ đưa ra liều lượng insulin, giải thích về các loại insulin khác nhau để bệnh nhân nắm rõ.
Người bệnh cũng cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ. Giữ lượng đường trong máu càng gần mức mục tiêu càng giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng liên quan đến bệnh đái tháo đường.
Người bệnh cần thay đổi lối sống. Các yếu tố như stress (căng thẳng) có thể khiến bệnh trầm trọng hơn. Hoạt động thể chất thường xuyên, ngủ đủ giấc, duy trì các bài tập để thư giãn, tư vấn bác sĩ cũng cần thiết. Tập thể dục đều đặn đóng vai trò quan trọng trong cải thiện đường huyết, cần cân bằng liều lượng insulin, bữa ăn và cường độ tập luyện cho phù hợp.
Người bệnh cần có kiến thức về các thực phẩm và ảnh hưởng của mỗi loại lên đường huyết, từ đó, có thể xây dựng được kế hoạch ăn uống lành mạnh để ổn định đường huyết. Theo bác sĩ Dung, một số triệu chứng đái tháo đường type 1 tương tự như các biểu hiện bệnh khác. Do đó, nếu nghi ngờ mắc bệnh, bạn nên khám bác sĩ để được xét nghiệm lượng đường trong máu. Bệnh đái tháo đường nếu không được điều trị có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe rất nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong.
Hoàng Trang