Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) Mỹ, những vết thương nhỏ, vết trầy xước, vết đứt hay vết bỏng thường khó tránh trong cuộc sống. Với người bệnh tiểu đường, những tổn thương này dù rất nhỏ nhưng lại chậm lành, có thể không lành và bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng có thể lan đến mô và xương gần vết thương hoặc đến các vùng xa hơn của cơ thể. Trong một số trường hợp, vết thương không được chăm sóc kịp thời, nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng, thậm chí tử vong.
Nghiên cứu của Đại học Y khoa Chicago (Mỹ) chỉ ra mối liên hệ giữa mức đường huyết và quá trình chữa lành vết thương. Đường huyết luôn ở mức cao làm suy giảm chức năng của các tế bào bạch cầu. Các tế bào bạch cầu đóng vai trò trung tâm của hệ thống miễn dịch. Khi các tế bào này không thể hoạt động chính xác, cơ thể ít có khả năng chống lại vi khuẩn và đóng vết thương.
Lượng đường trong máu cao làm tổn thương các dây thần kinh, gây cảm giác tê khiến người bệnh không nhận biết được các chấn thương (không cảm thấy đau). Điều này có thể khiến người bệnh không biết để điều trị, khiến vết thương trầm trọng hơn, nhất là tổn thương ở lòng bàn chân. Sự kết hợp của việc chữa lành chậm và không điều trị do không cảm giác đau làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ảnh hưởng của tiểu đường lên dây thần kinh và mạch máu còn khiến người bệnh gặp biến chứng về tim, thận và mắt.
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát cũng ảnh hưởng đến tuần hoàn, khiến máu di chuyển chậm hơn làm cho cơ thể khó đưa chất dinh dưỡng đến vết thương. Do đó, các vết thương chậm lành hoặc có thể không lành. Việc chậm chữa lành vết thương ở người bệnh tiểu đường còn do các yếu tố như giảm sản xuất hormone tăng trưởng và chữa bệnh, giảm sản xuất và sửa chữa các mạch máu mới, giảm sản xuất collagen, suy yếu hàng rào bảo vệ da.
Vết thương không được điều trị sẽ bị nhiễm trùng và có thể lây lan cục bộ đến cơ và xương, gọi là bệnh viêm tủy xương. Nhiễm trùng vết thương không được điều trị có thể tiến triển đến giai đoạn hoại tử, là nguyên nhân phổ biến phải cắt chi ở người tiểu đường. Theo nghiên cứu của Ấn Độ, cứ 4 người mắc tiểu đường thì có một người bị loét bàn chân. Loét bàn chân gây ra những vết loét nghiêm trọng, đau đớn dẫn đến cắt cụt chân. Nghiên cứu của Mỹ cũng chỉ ra, bệnh tiểu đường góp phần vào 25-90% các trường hợp cắt cụt chi. Nhiễm trùng không kiểm soát được có thể lan vào máu gây ra nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng.
Người bệnh tiểu đường cần kiểm soát chặt đường huyết, chăm sóc chân kỹ lưỡng và điều trị vết thương tránh gặp phải vết thương nặng không lành và nhiễm trùng. Cách chăm sóc bàn chân cho người bệnh như rửa chân hàng ngày, tránh đi chân trần, cắt tỉa móng chân cẩn thận, đi giày thoải mái, kiểm tra chân thường xuyên và nên thoa kem dưỡng ẩm. Người bệnh có vết thương có thể dùng thuốc kháng sinh để chống lại nhiễm trùng. Nhập viện điều trị nếu vết thương nghiêm trọng, đau đớn, không lành sau nhiều ngày hoặc nhiễm trùng đã phát triển.
Mọi người nên thực hiện thói quen, thay đổi lối sống để giúp cải thiện lượng đường trong máu, kiểm soát bệnh tiểu đường mà có thể không cần dùng thuốc. Chế độ ăn uống cần lành mạnh và bổ dưỡng, tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng vừa phải...
Mai Cát
(Theo Medical News Today)