Trượt đốt sống là tình trạng đốt sống trên trượt ra phía trước hoặc ra phía sau so với đốt sống dưới. Lúc này xuất hiện tình trạng đau ở thắt lưng, thường đau lan xuống một hoặc cả hai chân, làm người bệnh khó đi đứng, cản trở sinh hoạt hàng ngày. Nhiều người bệnh có xu hướng giảm vận động vì sợ đau. Về lâu dài, có thể dẫn đến giảm mật độ xương và giảm sức cơ, người bệnh dần mất đi sự linh hoạt.
ThS.BS Vũ Đức Thắng, khoa Cột sống, Bệnh viện Tâm Anh TP HCM, cho biết trượt đốt sống thường xảy ra ở vị trí L3-L4, L4-L5 và thường gặp nhất là L5-S1 (đốt sống thắt lưng thứ 3, thứ 4, thứ 5 và đốt xương cùng đầu tiên). Một số nguyên nhân gây bệnh thường gặp như sau:
Bệnh lý: Thoái hóa là một trong những nguyên nhân thường gặp nhất. Các dây chằng và khớp cố định đốt sống suy yếu dần theo thời gian, gây mất ổn định cột sống, lâu dần có thể dẫn đến trượt đốt sống. Tình trạng này phổ biến ở người trên 60 tuổi và bị viêm xương khớp, phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Ngoài ra, các tình trạng sức khỏe khác như nhiễm trùng, ung thư, các bất thường về xương... cũng có thể khiến đốt sống bị xô lệch.
Chấn thương như gãy xương, trật khớp, té ngã hoặc tập luyện quá sức... có thể gây trượt đốt sống do lực mạnh tác động đột ngột.
Bẩm sinh: Tình trạng này xảy ra khi cột sống của thai nhi không hình thành như bình thường. Giai đoạn về sau, các đốt sống bị lệch, làm tăng nguy cơ trượt đốt sống trong hoạt động thường ngày của người bệnh.
Các phương pháp điều trị khác nhau tùy từng mức độ trượt đốt sống.
Điều trị nội khoa kết hợp giữa dùng thuốc, mặc áo cố định ngoài, tập vật lý trị liệu và nghỉ ngơi đúng cách. Trường hợp vừa và nhẹ, phần lớn người bệnh đáp ứng tốt với phương pháp điều trị này, giảm đau rõ rệt. Các bài tập vật lý trị liệu cũng giúp tăng cường sức cơ ở lưng, đùi và bụng, từ đó cải thiện tầm vận động.
Phẫu thuật được thực hiện với mục tiêu giải phóng chèn ép thần kinh, làm vững cột sống, tạo sự liền xương, nhờ đó giúp người bệnh giảm đau và khôi phục khả năng vận động. Phương pháp này được chỉ định với những trường hợp trượt đốt sống nặng, điều trị bảo tồn không hiệu quả, xuất hiện biến chứng như liệt vận động một hoặc cả hai chân, teo cơ, bí tiểu...
Bác sĩ Thắng cho biết trượt đốt sống nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là hội chứng chùm đuôi ngựa. Đây là tình trạng rễ của đám rối thần kinh đuôi ngựa bị chèn ép, ảnh hưởng đến chức năng vận động, cảm giác tới hai chân, bàng quang và trực tràng. Vì vậy, người bệnh nên đi khám nếu gặp các triệu chứng cảnh báo trượt đốt sống, tuân thủ chỉ định của bác sĩ trong điều trị, kể cả khi được đề nghị phẫu thuật.
Hiện nay, phẫu thuật nắn chỉnh trượt, cố định cột sống bằng nẹp vít và ghép xương liên thân đốt sống là phương pháp điều trị được áp dụng tại nhiều bệnh viện. Trình độ của y bác sĩ, trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy C-Arm chụp X-quang liên tục trong lúc mổ, kính vi phẫu phóng to vị trí phẫu thuật lên hàng chục lần, mức độ an toàn và hiệu quả điều trị của các ca phẫu thuật được nâng cao đáng kể, theo bác sĩ Thắng.
Phi Hồng
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |