Bác sĩ Vũ Thị Huyền, khoa Cơ Xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thay đổi thời tiết đột ngột, độ ẩm trong không khí tăng cao và nhiệt độ thay đổi liên tục. Với người có khớp yếu hoặc mắc bệnh nền như viêm khớp, thoái hóa khớp, loãng xương, các yếu tố môi trường này có thể gây ra sự giãn nở và co lại của các cơ, dây chằng và khớp, làm gia tăng cảm giác đau đớn. Cơ thể khó duy trì nhiệt độ ổn định do độ ẩm cao, từ đó gây co thắt và cứng khớp. Cơ thể không thể điều chỉnh nhiệt độ hiệu quả khiến các khớp trở nên đau nhức.
Khi thời tiết thường xuyên mưa, ẩm thấp, mọi người hạn chế ra ngoài và ít vận động. Không hoạt động thể chất trong thời gian dài làm cho các khớp bị cứng và giảm linh hoạt. Thiếu vận động kết hợp với thời tiết lạnh và ẩm thúc đẩy các triệu chứng bệnh xương khớp trầm trọng hơn.

Sương mù trên cầu Long Biên. Ảnh: Ngọc Thành
Theo bác sĩ Huyền, sự thay đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến huyết áp và tuần hoàn máu. Nếu thời tiết thay đổi đột ngột, cơ thể cần tăng cường năng lượng để duy trì nhiệt độ, từ đó máu khó lưu thông đều đặn đến các khớp, gây thiếu oxy và chất dinh dưỡng cho các mô xung quanh khớp. Khi máu không thể lưu thông tốt, các khớp không linh hoạt, gây đau. Tình trạng này càng rõ ràng với người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc rối loạn tuần hoàn máu. Các cơn đau khớp dữ dội hơn khi các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ sự hỗ trợ cần thiết từ việc lưu thông máu.

Nồm ẩm gây đau nhức xương khớp. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Để phòng tránh đau khớp trong mùa nồm, bác sĩ Huyền hướng dẫn cách chăm sóc sức khỏe xương khớp.
Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý: Canxi tăng cường độ dày của xương. Vitamin D giúp cơ thể hấp thụ canxi hiệu quả. Omega-3 có tác dụng giảm viêm và bảo vệ khớp khỏi các tổn thương. Bổ sung thực phẩm giàu canxi như sữa, cá hồi, cải xanh, hạnh nhân hay thực phẩm giàu vitamin D như trứng, cá, và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời hỗ trợ duy trì xương và khớp khỏe mạnh.
Vận động thể chất thường xuyên: Nếu không thể ra ngoài, mọi người có thể tập luyện nhẹ nhàng trong nhà để các khớp linh hoạt, giảm đau cứng khớp, cải thiện tuần hoàn máu. Các bài tập đơn giản như đi bộ trong nhà, yoga hoặc gập duỗi các khớp nhẹ nhàng, xoay cổ tay, cổ chân, kéo giãn để làm nóng cơ thể và xương khớp.
Giữ ấm cơ thể: Khi cơ thể bị lạnh, các cơ và khớp co lại, gây căng cứng và tăng cảm giác đau. Mọi người nên mặc đủ ấm, nhất là những bộ phận dễ bị ảnh hưởng như cổ, lưng và chân. Dùng chăn ấm hoặc các thiết bị sưởi ấm trong nhà để duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định và giảm cơn đau khớp.
Áp dụng liệu pháp nhiệt: Chườm nóng làm giãn các cơ và khớp hoặc liệu pháp lạnh (chườm lạnh) để giảm đau và sưng khớp hiệu quả. Cần chú ý để tránh gây bỏng nhiệt hoặc tổn thương da.
Sinh hoạt lành mạnh: Không lạm dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá vì có thể ảnh hưởng đến quá trình phục hồi và làm trầm trọng thêm tình trạng đau khớp.
Khám sức khỏe định kỳ: Không chỉ người có tiền sử bệnh lý về xương khớp, người khỏe mạnh cũng nên khám sức khỏe định kỳ. Các bác sĩ theo dõi tình trạng xương khớp, tư vấn điều trị nếu mắc bệnh hoặc thay đổi chế độ sinh hoạt phù hợp.
Nếu cơn đau khớp kéo dài hơn một tuần không giảm dù đã áp dụng các biện pháp tự chăm sóc, hoặc đau kèm theo sưng, đỏ, nóng, sốt, mệt mỏi, tê bì, yếu liệt, người bệnh cần đến cơ sở y tế khám. Người có tiền sử bệnh nền như tiểu đường, tim mạch, loãng xương cần tham khảo ý kiến bác sĩ sớm để điều trị kịp thời, tránh các biến chứng nghiêm trọng.
Việt An
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |