Xương liên tục trải qua quá trình tái tạo, trong đó mô xương cũ bị phá hủy và mô xương mới được hình thành. Vào khoảng 30 tuổi, khối lượng xương đạt mức tối đa. Sau đó, tốc độ mất xương bắt đầu nhanh hơn tốc độ tạo xương, dẫn đến suy giảm mật độ xương.
Loãng xương là bệnh lý phổ biến ở người lớn tuổi. Tốc độ mất xương tăng đột biến sau khi phụ nữ mãn kinh do giảm nồng độ estrogen. Trong vòng 5-10 năm sau mãn kinh, phụ nữ có thể mất 20% khối lượng xương. Ở nam giới, tốc độ mất xương chậm hơn nhưng vẫn diễn ra theo thời gian, nhất là ở tuổi 70. Bệnh tiến triển âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng. Khi mật độ xương suy giảm đến mức nhất định, chỉ cần một chấn thương nhẹ cũng có thể gây gãy xương, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống.
Theo bác sĩ Vũ Thị Huyền, Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, dùng thuốc chống loãng xương giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả tình trạng này. Song việc sử dụng thuốc cần dựa trên yếu tố nguy cơ của từng người, mật độ xương và chỉ định của bác sĩ. Không có độ tuổi cố định để bắt đầu uống thuốc chống loãng xương. Không phải ai cũng cần dùng thuốc chống loãng xương ở tuổi trung niên. Người có nguy cơ cao gãy xương hoặc mật độ xương giảm nghiêm trọng mới cần dùng thuốc.
Các nhóm nên cân nhắc điều trị bao gồm phụ nữ sau mãn kinh có chỉ số mật độ xương (T-score) ≤ -2,5; nam giới trên 70 tuổi có mật độ xương thấp; người từng bị gãy xương do loãng xương hoặc có chỉ số T-score -1 đến -2,5 kèm yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu, ít vận động. Người có tiền sử gia đình bị loãng xương, mắc bệnh lý ảnh hưởng đến xương như cường giáp, viêm khớp dạng thấp, suy thận mạn; người đang dùng thuốc làm giảm mật độ xương như corticosteroid dài hạn cũng cần cân nhắc.
Bác sĩ đánh giá mật độ xương bằng phương pháp DXA và công cụ FRAX để dự đoán nguy cơ gãy xương trong 10 năm tới. Bác sĩ sẽ cân nhắc dùng thuốc cho người có nguy cơ cao.
![Người bệnh khám tại xương khớp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp](https://vcdn1-suckhoe.vnecdn.net/2025/02/14/z6317214769708-9dc4085dc9dde28-9175-7689-1739525142.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=WlTrWC9_UqUbCq1uefNkaA)
Người bệnh khám tại xương khớp tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ Hiền cho biết hiện có nhiều loại thuốc điều trị loãng xương.
Thuốc bisphosphonates giúp giảm quá trình hủy xương.
Nhóm điều hòa thụ thể estrogen (SERM) phù hợp với phụ nữ sau mãn kinh, giúp duy trì mật độ xương và giảm nguy cơ gãy xương ở cột sống.
Liệu pháp hormone dành cho phụ nữ sau mãn kinh có tác dụng duy trì mật độ xương, song cần cân nhắc tác dụng phụ liên quan đến tim mạch và ung thư vú.
Thuốc ức chế hủy xương có tác dụng ngăn chặn quá trình hủy xương, thường được chỉ định cho người có nguy cơ gãy xương cao, không dung nạp với thuốc bisphosphonates hoặc có suy thận.
Thuốc tăng tạo xương kích thích hình thành xương mới, phù hợp với người bị loãng xương nặng hoặc có tiền sử gãy xương nghiêm trọng.
Bác sĩ Huyền lưu ý thay đổi lối sống, bổ sung dưỡng chất và tập luyện thể thao vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng ngừa loãng xương. Duy trì lối sống lành mạnh làm giảm nguy cơ loãng xương tự nhiên. Bác sĩ khuyến cáo mọi người nên bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D qua chế độ ăn hoặc thực phẩm chức năng để hỗ trợ quá trình tạo xương. Canxi có nhiều trong sữa, các chế phẩm từ sữa, cá mòi, rau xanh đậm. Vitamin D có thể được tổng hợp qua da khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời hoặc bổ sung qua thực phẩm như cá hồi, trứng.
Tập luyện thể dục, nhất là các bài tập chịu lực như đi bộ, nâng tạ, yoga giúp tăng cường sức mạnh xương khớp và giảm nguy cơ té ngã. Tránh hút thuốc, uống rượu quá mức vì các thói quen này có thể làm giảm mật độ xương nhanh chóng và gia tăng nguy cơ gãy xương. Người có yếu tố nguy cơ loãng xương nên kiểm tra mật độ xương định kỳ để phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi cần thiết có tác dụng kiểm soát bệnh hiệu quả và hạn chế biến chứng nghiêm trọng.
Việt An
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |