Giày cao gót giúp đôi chân thanh thoát, dáng đi uyển chuyển nên rất được phái đẹp ưa chuộng. Tuy nhiên, mang giày cao gót cũng khiến phụ nữ có nguy cơ gặp các vấn đề xương khớp.
Gân achilles, còn gọi là gân gót chân, nằm tại vùng xương gót (mặt sau gót chân và cổ chân). ThS.BS.CKI Lê Văn Minh Tuệ, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết mang giày cao gót quá lâu có thể gây viêm gân gót do các vi chấn thương lặp lại khi hoạt động quá mức, đau nhức gót chân và căng cứng bắp chân. Mang giày cao gót trong thời gian dài không chỉ cản trở đi lại mà còn có nguy cơ biến dạng xương gót chân, thậm chí biến dạng bàn chân, gây móng quặp, viêm cân gan chân, chấn thương cổ chân do lật cổ chân.
Dưới đây là các nguyên nhân cụ thể gây viêm gân gót chân.
Các tư thế gập cổ chân kéo dài: Khi đi giày cao gót từ 7 cm trở lên, bàn chân ở tư thế dốc xuống, khớp cổ chân gập lại. Điều này khiến trọng lượng cơ thể dồn nhiều về nửa trước của bàn chân và ngón chân, tạo ra sự phân bố áp lực không đều trên bàn chân. Bàn chân phải chịu áp lực lớn hơn bình thường. Duy trì tư thế này trong thời gian dài làm cho gân achilles bị co rút lại, đau nhức vùng gót chân, khó đi lại, căng cứng gót và bắp chân khi nhón chân hay khi đi trên nền phẳng.
Giãn gân achilles đột ngột sau khi cởi giày: Sau khi cởi giày, lập tức bước đi bằng chân trần hoặc giày thể thao khiến gân achilles bị giãn ra. Sự thay đổi bất thường này có khả năng cao gây tổn thương và viêm gân. Ngoài ra, thay đổi vị trí chịu lực từ nửa trước của bàn chân sang toàn bộ bàn chân dễ bị mất thăng bằng, dẫn đến té ngã.
Kiểu dáng giày gây biến dạng chân: Thiết kế giày cao gót phần lớn là mũi nhọn và gót cao để định hình chân phụ nữ thanh thoát hơn. Tuy nhiên kiểu dáng này tạo sức ép lên bàn chân, tăng nguy cơ biến dạng xương, tác động xấu đến các cơ quan ở bàn chân, trong đó có gân achilles.
Theo bác sĩ Tuệ, khi cơn đau gót chân xuất hiện, phụ nữ nên ngồi nghỉ ngơi để bớt áp lực lên gân gót chân; kéo giãn cơ bắp chân, bàn chân và mắt cá chân rồi từ từ cởi giày. Sau đó, thay giày cao gót bằng giày thể thao hoặc giày đế bằng có kích thước thoải mái để tránh đau tái phát.
Những bài tập đơn giản làm giảm đau gót chân, phòng tránh bệnh viêm gân achilles hiệu quả như:
Bài tập nâng mũi chân, kéo dãn gân gót: Đứng thẳng, đầu gối duỗi thẳng, có thể vịn tay vào tường để giữ thăng bằng. Đứng trên gót chân và từ từ nâng mũi chân lên càng cao càng tốt. Giữ trong vòng 5-10 giây, cảm nhận cơ bắp chân được giãn ra. Sau đó chậm rãi hạ chân xuống. Lặp lại 5-10 lần.
Bài tập kéo căng khăn: Ngồi ở tư thế thoải mái, duỗi thẳng chân bị đau gót ra trước mặt. Sử dụng một khăn tắm dài khoảng 80-100 cm xếp dài, vòng qua nửa trước của bàn chân, dùng hai tay kéo hai đầu khăn sao cho mũi chân hướng về phía cơ thể. Giữ tư thế này trong vòng 5-10 giây, cảm nhận cơ bắp chân giãn ra. Từ từ trả mũi chân về vị trí cũ. Lặp lại động tác 5-10 lần.
Bác sĩ Tuệ khuyến cáo người đau gót chân kéo dài nhiều ngày, xuất hiện phù nề ở gót chân cần sớm đến bác sĩ khám. Đây có thể là tình trạng chảy máu giữa các sợi gân - dấu hiệu lâm sàng của đứt gân achilles.
Để mang giày cao gót an toàn, bảo vệ cơ xương khớp và phòng tránh viêm gân achilles, phái đẹp nên chọn giày có kích thước phù hợp để không ảnh hưởng đến cấu trúc bàn chân; sử dụng miếng đệm gót chân nhằm giảm tải trọng lên gân achilles, dùng loại giày chất lượng tốt giúp hạn chế tổn thương gân achilles; tránh mang liên tục trong thời gian dài.
Hồng Phúc
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |