Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS.CKI Trần Thị Thanh Tú, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM.
Dấu hiệu
Đau vùng gót, nhất là khi căng gót hoặc nhón chân, đau rát hoặc đau cứng phần thấp của bắp chân vào buổi sáng là dấu hiệu thường gặp khi viêm gân gót.
Ban đầu, người bệnh có thể chỉ cảm thấy đau nhẹ ở phía sau chân hoặc trên gót mỗi khi vận động. Sau đó, cơn đau có thể lan rộng đến các khu vực khác quanh mắt cá chân. Nếu gân đứt sẽ xuất hiện cơn đau dai dẳng, phù nề vùng gót chân do chảy máu giữa các sợi gân.
Viêm gân gót được chia thành hai loại. Viêm điểm bám gân gót là tổn thương tác động tới vị trí thấp nhất của gân, nơi gân được gắn vào xương gót chân. Viêm sợi gân là tình trạng viêm liên quan tới các sợi ở phần giữa của gân, thường xảy ra ở người trẻ tuổi.

Viêm gân gót chân ảnh hưởng đến khả năng vận động của người bệnh. Ảnh: Freepik
Điều trị
Nếu chữa trị không kịp thời hoặc sai cách, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm gân gót mạn tính, hạn chế khả năng đi lại, biến dạng gân và xương gót chân, đứt hoàn toàn gân gót... Dưới đây là một số biện pháp điều trị viêm gân gót chân thường gặp.
RICE là phương pháp sơ cứu chấn thương thường dùng. Đầu tiên, người bệnh nên nghỉ ngơi (Rest) đầy đủ cho đến khi có thể đi lại mà không còn cảm giác đau ở gót chân.
Nghỉ ngơi làm giảm áp lực đè nén lên hệ xương và gân gót chân, thư giãn gân. Nhờ đó cơ thể sản sinh nguồn năng lượng mới, làm tăng khả năng phục hồi tổn thương cho gân.
Chườm đá (Ice) lên vùng bị thương có tác dụng giảm đau và sưng tấy.
Băng ép (Compression) để cố định vùng bị thương, giảm sưng cho gân.
Kê vị trí bị thương cao hơn tim (Elevation) nhằm giảm sưng đau hiệu quả.
Dùng thuốc: Người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm không kê đơn. Người bệnh đau nhức kéo dài có thể được chỉ định dùng thuốc liều mạnh để cải thiện triệu chứng. Bác sĩ cũng có thể tiêm huyết tương tiểu giàu tiểu cầu (Platelet-rich Plasma - PRP) hoặc tiêm steroid.
Vật lý trị liệu: Thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương, hỗ trợ tăng cường sức mạnh của gân gót và hạn chế nguy cơ viêm tái phát. Người bệnh nên sử dụng miếng lót giày nâng cao để giảm căng thẳng cho gân.
Phẫu thuật: Bác sĩ chỉ định khi điều trị bảo tồn cho bệnh nhân không hiệu quả, đứt gân hoặc có nguy cơ đứt gân. Phương pháp này giúp người bệnh nhanh chóng phục hồi khả năng vận động, sẹo mổ nhỏ, ít đau hơn, giảm nguy cơ biến chứng.

Bác sĩ Tú tư vấn về tình trạng sức khỏe xương khớp của người bệnh. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Phòng ngừa
Viêm gân gót thường xảy ra ở người chơi thể thao. Để phòng ngừa, người bệnh nên vận động từ từ, tăng dần thời lượng và cường độ tập luyện để cơ thể có thời gian thích nghi, tránh gây áp lực lên gót chân. Cần hạn chế những hoạt động gây căng thẳng quá mức cho gân.
Trong lúc tập, nên dừng lại ngay và nghỉ ngơi nếu cảm thấy đau. Luôn khởi động kỹ trước khi vận động để làm ấm cơ thể, giúp các cơ và mô liên kết linh hoạt hơn khi bước vào bài tập chính.
Thực hiện các động tác kéo căng cơ bắp và gân chân có thể ngăn ngừa viêm tái phát, tăng cường sức khỏe cho gân và cơ. Người tập luyện, nhất là chạy bộ, cần tránh những mặt phẳng cứng hoặc dễ trượt; chọn quần áo và giày phù hợp.
Phi Hồng