Trả lời phỏng vấn VnExpress về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp diễn ra ở Hà Nội, 4 người đàn ông Mỹ, người mới đến Việt Nam 6 tháng, người đã ở đây 6 năm, vừa nghi ngờ vừa hy vọng về kết quả của cuộc gặp mặt lần hai giữa hai lãnh đạo. Thậm chí có người đặt câu hỏi về động cơ của Tổng thống Trump và cho rằng đây đơn giản là cơ hội để "một người lão luyện như ông Trump đánh bóng hình ảnh".
Allen Scarbrough, đến từ bang Misssissipi, bỏ phiếu cho Trump trong cuộc bầu cử năm 2016. Chàng thanh niên 27 tuổi này cho rằng đôi khi Trump "hơi quá lời như gọi Kim Jong-un là 'người tên lửa bé nhỏ' nhưng cách tiếp cận Triều Tiên của ông tốt hơn nhiều so với các chính quyền trước".
"Các tổng thống Mỹ trước kia dường như dễ dãi đồng ý với những yêu sách của Triều Tiên nhưng rồi Bình Nhưỡng luôn phá vỡ cam kết, tìm cách trì hoãn và tiếp tục mở các cơ sở hạt nhân", Scarbrough nói. "Tôi tin rằng ông Trump đã làm được mà nhiều tổng thống đời trước không làm được".
Anh cho rằng hội nghị Trump - Kim là cơ hội để người Mỹ thấy một Việt Nam hoàn toàn khác so với những gì họ tưởng tượng, bởi nhiều người Mỹ hiện nay vẫn chỉ biết đến Việt Nam qua lịch sử về cuộc chiến tranh và không có nhiều thông tin về đất nước này.
"Tôi đến từ bang Mississipi, người dân ở đó khá bảo thủ, họ sùng đạo và ngại thay đổi. Trước khi tôi đến Việt vào năm ngoái, bạn bè và người thân ở Mỹ không hiểu tại sao tôi quyết định như vậy. Họ tin rằng người Việt Nam còn thù ghét người Mỹ vì lịch sử giữa hai nước". Scarbrough cho biết. "Nên đây là cơ hội để thế giới biết nhiều hơn về Việt Nam".
Joe A., 31 tuổi, giáo viên tại một trường mẫu giáo ở Hà Nội, cảm thấy hào hứng mong chờ Tổng thống Trump đến Hà Nội, dù anh không bỏ phiếu cho Trump và không đồng ý với nhiều quyết định của ông.
"Thành thật mà nói, tôi không biết Trump và Kim Jong-un đã bàn bạc những gì trong lần gặp đầu tiên nhưng tôi biết nếu họ không ngồi vào bàn đàm phán thì cách duy nhất để thay đổi là chiến tranh", Joe nói. Người đàn ông tới từ Texas này rời nước Mỹ ngay sau ngày Trump đắc cử, nhưng vẫn luôn cố gắng xem xét từng hành động của Trump một cách riêng rẽ thay vì ghét mọi thứ ông ấy làm.
Dù không muốn thừa nhận Trump là "một tay đàm phán lão luyện, biết phải nói điều gì khiến đối phương mềm lòng", Joe đánh giá cao việc ông đối thoại với Triều Tiên. "Đó là việc mà nhiều tổng thống trước đây đã bỏ qua. Trump yêu cầu đối thoại và Triều Tiên đối thoại. Nếu ông Obama có động thái tương tự, tôi nghĩ, Triều Tiên cũng đã sẵn lòng", anh nói.
"Tôi đoán rằng lần này đến Hà Nội, Trump chắc sẽ không giúp một nhà hàng bún chả nào trở nên nổi tiếng đâu", Joe hóm hỉnh nói.
Kevin Raison, sống ở Việt Nam 6 năm, cho rằng những tiến bộ gần đây trong mối quan hệ Mỹ - Triều là thành quả của các chính quyền trước để lại. Chàng thanh niên 28 tuổi, đến từ Boston và hiện làm tư vấn giáo dục ở Hà Nội, cho rằng Tổng thống Trump "đơn giản ở đúng nơi và đúng thời điểm".
Theo Raison, Triều Tiên đang ngả theo hướng đối thoại trực tiếp với Mỹ thay vì đàm phán đa phương. Mỹ có nhiều đồng minh nên đối thoại với Mỹ thành công sẽ giúp Triều Tiên hội nhập với các quốc gia khác trong tương lai dễ dàng hơn.
"Đáng tiếc, Trump từng nhiều lần lúc nói thế này, lúc thế khác nên tôi không đặt nhiều niềm tin vào động cơ của Tổng thống chúng tôi", anh nói. "Có thể điều ông ấy quan tâm là bề ngoài của mối quan hệ với Triều Tiên hơn là thực sự muốn thuyết phục Triều Tiên nhượng bộ trong vấn đề phi hạt nhân hóa".
Raison cho rằng hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai sẽ khiến người ta chú ý đến Hà Nội và Việt Nam nhiều hơn, đặc biệt là ngành du lịch. "Tôi chắc sau hội nghị Trump – Kim, những du khách nước ngoài, trước đây còn phân vân kiểu 'Đến Việt Nam có Internet không nhỉ?', sẽ không còn có lý do để trì hoãn", anh nhận định. "Đây là cơ hội để Việt Nam cho thế giới thấy mình là một 'người trưởng thành', không còn là một quốc gia đang phát triển nữa".
Colin Brownlie, giáo viên tiếng Anh 40 tuổi đến từ Los Angeles, thì lo ngại Trump sẽ quá nhân nhượng Triều Tiên và sẽ đồng ý với một thỏa thuận không có lợi về lâu dài trong lần gặp thứ hai này.
"Lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đã tác động đến Triều Tiên nhưng tôi tin rằng Triều Tiên đã nhìn thấy cơ hội với chính quyền Trump", Brownlie nói. "Ông Trump là một chính trị gia không có kinh nghiệm, khác hoàn toàn với các đời tổng thống trước và không hiểu về lịch sử quan hệ với Triều Tiên. Triều Tiên đã tận dụng cơ hội với một tổng thống Mỹ không có kinh nghiệm trong quan hệ quốc tế để giành ưu thế trong đàm phán".
Brownlie hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ không đưa ra quá nhiều nhượng bộ trước lãnh đạo Triều Tiên, nhưng nhấn mạnh việc hai bên chịu đàm phán vẫn luôn tốt hơn đe dọa chiến tranh.
"Nếu hội nghị thành công, Hà Nội sẽ đi vào lịch sử như là địa điểm thúc đẩy hòa bình thế giới. Không có nhiều quốc gia duy trì mối quan hệ tốt với cả Mỹ và Triều Tiên như Việt Nam, điều đó cho thấy Việt Nam cởi mở như thế nào trong mối quan hệ quốc tế", ông nói. "Hội nghị Trump - Kim, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, hòa bình thế giới đang trở thành chủ đề trò chuyện hàng ngày ở Việt Nam".