Nguyên tắc dinh dưỡng quan trọng nhất với người bệnh gout là hạn chế tối đa tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng purine cao, giúp kiểm soát tốt nồng độ axit uric, hạn chế bệnh trở nặng hoặc tái phát. Người bệnh nên có chế độ ăn đầy đủ và cân bằng các chất dinh dưỡng bao gồm tinh bột, đạm, chất béo tốt, vitamin và các khoáng chất.
ThS.BS Trần Thị Trinh, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết món xôi có thành phần chính là gạo nếp. 100 g gạo nếp chứa khoảng 50,3 mg purine. Thông thường, một phần xôi có thể dao động 150-250 g, tương đương với lượng purine khoảng 75,5-125,75 mg. Nếu không tính thức ăn đi kèm thì lượng purine này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.
Gạo nếp từ xôi còn cung cấp các dưỡng chất tốt cho sức khỏe. 100 g gạo nếp chứa 97 kcal, 8,2 g đạm, 74,9 g tinh bột, 32 mg canxi, 282 mg kali, 1,2 mg sắt, 1,5 g chất béo; các vitamin như A, C, D, B-1, B-2, E...
Bác sĩ Trinh cho biết xôi và các món ăn làm từ gạo nếp nói chung không gây hại cho người bệnh gout. Tuy nhiên, cần kiểm soát lượng xôi và các thức ăn đi kèm. Xôi thường được ăn kèm với thịt đỏ, thịt gà, hải sản và nội tạng động vật hoặc đậu xanh, đậu phộng... đều có hàm lượng purine từ trung bình đến cao. Ngoài ra, gạo nếp còn được xếp vào nhóm thực phẩm có lượng đường huyết cao với chỉ số GI (glycemic index) hơn 73.
Người bệnh gout không nên ăn hoặc hạn chế xôi mặn, xôi xéo, xôi đậu phộng, xôi đậu xanh. Thay vào đó, nên chọn xôi gấc, xôi lá cẩm, xôi hạt sen, xôi khoai mì... vì chứa các loại đậu, hạt có lượng purine thấp và hàm lượng dinh dưỡng cao.
Bác sĩ Trinh gợi ý một số loại thực phẩm và thức uống tốt cho sức khỏe người bệnh gout như:
Thịt trắng gồm cá sông, thịt ức gà: Chứa lượng đạm tương đối cao nhưng có hàm lượng purine thấp, phù hợp với người bệnh gout. Lượng thịt trắng được khuyến cáo sử dụng trong một ngày là 100-170 g.
Trứng: Cung cấp đạm mà người bệnh gout có thể sử dụng để thay thế cho đạm đến từ thịt đỏ vì có hàm lượng purine thấp, dễ kiểm soát số lượng tiêu thụ.
Các loại trái cây có nhiều vitamin C: Hỗ trợ quá trình cân bằng nồng độ axit uric trong cơ thể diễn ra nhanh hơn. Vitamin C còn là chất dinh dưỡng có hiệu quả chống oxy hóa, chống viêm và tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nước lọc: 2/3 lượng axit uric trong cơ thể được đào thải qua thận. Uống nhiều nước giúp bài tiết axit uric dễ dàng hơn. Trung bình, một người trưởng thành cần uống khoảng hai lít nước mỗi ngày. Khi uống nước, không uống nhiều trong một lần mà nên chia ra nhiều lần trong ngày, mỗi lần từng ngụm nhỏ.
Nước có chất kiềm: Nước khoáng và soda nguyên chất (không thêm chanh hoặc đường) có công dụng điều chỉnh lượng pH trong máu, giúp làm giảm các triệu chứng gout cấp. Các loại nước này bảo vệ thận khỏi các tinh thể urat, hạn chế hình thành sỏi thận.
Cà phê nguyên chất: Cà phê có khả năng hỗ trợ giảm lượng axit uric, giảm cơn đau do gout gây ra. Người bệnh có thể uống cà phê đen nguyên chất.
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng, người bệnh cần tuân thủ điều trị của bác sĩ và khám định kỳ hoặc ngay khi phát hiện bất thường.
Phi Hồng