Hạt tophi là tập hợp những tinh thể của hợp chất sodium urate monohydrate, kết tủa trong mô liên kết, lắng đọng tại các khớp xương và phần mềm quanh khớp. Chúng trông như các nốt sần nhỏ, căng phồng và phát triển ngay bên dưới da tại vị trí các khớp xương.
ThS.BS Nguyễn Thị Phương, khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết các nốt tophi xảy ra ở khoảng 12-35% trường hợp người bệnh gout. Nếu không điều trị kịp thời và đúng cách, hạt tophi sẽ phát triển lớn hơn, có thể dẫn đến hàng loạt biến chứng nguy hiểm. Cụ thể là nhiễm trùng, lở loét; chèn ép dây thần kinh gây đau và tê yếu chân tay; phá hủy lớp sụn, gây xói mòn đầu xương. Chúng có thể làm tổn thương hoặc thậm chí biến dạng khớp dẫn đến tàn phế; suy giảm chức năng thận, gây sỏi thận.
Dù phát triển bên dưới da, các hạt tophi vẫn có thể dễ dàng sờ và trông thấy được. Bên trong chúng thường chứa dịch lỏng, dịch sệt hoặc tinh thể axit uric rắn. Qua lớp da có thể thấy màu trắng nhạt của tinh thể urat. Khi hạt tophi xuất hiện, người bệnh sẽ cảm thấy khó cử động khớp trong nhiều ngày, cả khi cơn đau đã thuyên giảm. Đôi khi, hạt có thể ở trong tình trạng viêm cấp làm cho bề mặt da nóng và đỏ lên hoặc rỉ dịch. Cường độ đau khớp có thể trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là trong vài giờ kể từ khi đợt viêm cấp bắt đầu.
Theo bác sĩ Phương, điều trị hạt tophi thường là một phần trong phác đồ chữa bệnh gout. Ở kích thước nhỏ, các hạt tophi thường không gây đau, không ảnh hưởng đến vận động, có thể điều trị bằng thuốc và thay đổi lối sống.
Phương pháp điều trị bằng thuốc nhằm làm giảm lượng axit uric trong máu xuống mức 5 mg/dL hoặc thấp hơn để làm tan các hạt tophi. Trong khi đó, lối sống lành mạnh, khoa học giúp kiểm soát tốt các triệu chứng, giảm thiểu nguy cơ bùng phát đợt cấp gout.
Người bệnh nên có thói quen uống đủ nước để hỗ trợ đào thải axit uric, hạn chế các loại thức uống có cồn và nhiều đường; tránh ăn thực phẩm chứa đường hoặc nhiều purin (đạm), tăng cường các loại rau củ quả, trái cây giàu vitamin C, bổ sung sữa và các sản phẩm làm từ sữa vào thực đơn hàng ngày... Ngoài ra, người bệnh cần thường xuyên rèn luyện thể chất ở cường độ phù hợp, nhằm duy trì sức mạnh và sự linh hoạt của hệ cơ xương khớp, trọng lượng và cải thiện sức khỏe tổng thể.
Nếu hạt tophi có kích thước lớn, số lượng nhiều; có triệu chứng lở loét; khớp bị biến dạng, hạn chế khả năng vận động; hạt tophi xuất hiện ở gân, túi hoạt dịch, khớp ngón tay hoặc ngón chân... bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật cắt bỏ và dẫn lưu.Trong một số trường hợp, người bệnh có thể được chỉ định phẫu thuật thay khớp nếu lớp sụn khớp hoặc xương đã bị thương tổn nặng nề.
Bác sĩ Phương khuyến cáo phẫu thuật loại bỏ hạt tophi có thể xảy ra một số rủi ro như nhiễm trùng, vết mổ không dễ lành... Do đó, người bệnh nên đến thăm khám và thực hiện thủ thuật tại các bệnh viện uy tín.
Phi Hồng