Thở là một quá trình tự nhiên và quan trọng. Nếu hít thở quá mức, không khí trong cơ thể sẽ tạo ra lượng carbon dioxide thấp trong máu, có thể gây ra nhiều triệu chứng liên quan đến tăng thông khí. Tình trạng này xảy ra ở những người 15-55 tuổi hoặc khi tâm trạng trở nên hồi hộp, lo lắng hoặc căng thẳng. Theo WebMD (Mỹ), phụ nữ có nguy cơ mắc chứng tăng thông khí nhiều hơn nam giới; nhất là trong giai đoạn mang thai. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết của bệnh.
Khô miệng
Nhịp thở bình thường là từ 12 đến 16 nhịp thở mỗi phút. Mặt khác, những người thở bằng miệng có tốc độ hô hấp nhanh hơn đáng kể. Do quá nhiều không khí lưu thông trong miệng khiến nướu, mô miệng trở nên khô hơn bình thường. Từ đó làm thay đổi hệ thực vật trong khoang miệng, dẫn đến bệnh về nướu hoặc sâu răng.
Thở dài, ngáp
Ngáp, thở dài có thể đóng vai trò trong việc hít thở. Điều này có xu hướng báo hiệu rằng cơ thể cần oxy nhiều hơn. Lý do chính gây ngáp, thở dài là do sự gia tăng mức độ carbon dioxide hoặc giảm nồng độ oxy trong máu. Khi đó, ngáp là phản xạ của cơ thể để đảm bảo cung cấp đủ oxy trong phổi và vào máu.
Tim đập nhanh
Khi mắc chứng tăng thông khí, cơ thể sẽ có xu hướng thở không khí ra nhiều hơn là hít vào. Hiện tượng này nếu lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ khiến tim người bệnh thường đập nhanh hơn bình thường, tâm lý cũng căng thẳng, lo âu hơn. Có nhiều trường hợp bệnh nhân bị tăng thông khí dẫn tới tình trạng co thắt cơ nghiêm trọng, thậm chí bất tỉnh.
Tức ngực
Người bệnh bị tăng thông khí có cảm giác bị tức nghẹn như có vật gì bị tắc trong lồng ngực. Các cơn đau tức ngực sẽ xuất hiện càng lúc càng tăng dần, thậm chí cơn đau lan rộng ra cả lồng ngực.
Chân, tay tê bì
Bàn chân hoặc bàn tay bị tê, hoặc ngứa ran ở lòng bàn tay hoặc chân là dấu hiệu khi cơ thể mắc chứng tăng lưu thông khí. Triệu chứng này đôi khi cũng đi kèm với cảm giác ngứa trong khoang miệng.
Thực tế, có nhiều yếu tố có thể dẫn đến tăng thông khí. Tình trạng này thường do lo lắng, hoảng sợ, căng thẳng. Tuy nhiên, chúng ta có thể ngăn ngừa tình trạng này nếu tập trung vào việc hít thở có kiểm soát.
Tập thở bằng mũi: thở bằng mũi không chỉ cải thiện dung tích phổi mà còn khiến cơ thể trở nên dễ chịu hơn, ít nhạy cảm hơn với nồng độ CO2. Nhờ đó, người bị tăng thông khí sẽ có thể kiểm soát nhịp thở của mình tốt hơn. Để tập thở bằng mũi, người bị tăng thông khí hãy ngậm miệng, dùng ngón tay ấn kín một bên mũi. Sau đó, cố gắng hít thở trong một lỗ mũi đang mở; tránh hít vào hoặc thở ra quá mạnh. Bạn thay phiên đều hai bên mũi cho đến khi hơi thở trở lại bình thường.
Thư giãn hơi thở: theo các chuyên gia y tế, những kỹ thuật thở, liệu pháp thư giãn sẽ giúp ngăn ngừa tăng thông khí, như tập các môn gồm thiền, đi bộ, chạy bộ, đạp xe hoặc thái cực quyền, yoga,...
Ngoài những cách trên, người mắc tăng thông khí cũng có thể áp dụng một số kỹ thuật khác như: thở bằng đôi môi mím chặt, thở vào túi giấy hoặc cố gắng thở vào bụng (cơ hoành) hay nín thở 10-15 giây.
Huyền My (Theo WebMD, Healthline)