Khí hậu nóng ẩm của mùa hè là điều kiện lý tưởng cho vi khuẩn, virus tấn công, gây bệnh đường hô hấp như ho, viêm họng, viêm amidan, viêm mũi xoang... Ô nhiễm không khí, khói bụi cùng với việc thay đổi môi trường đột ngột cũng là yếu tố dễ kích thích niêm mạc đường thở, gây co thắt phế quản. Đây là yếu tố khiến số lượng bệnh nhân mắc các bệnh đường hô hấp dưới như phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), hen phế quản, viêm phế quản tăng cao.
Thạc sĩ, bác sĩ Trần Duy Hưng, Khoa Hô hấp - BVĐK Tâm Anh Hà Nội, cho biết, mùa hè nhiệt độ ngoài trời nóng khiến cơ thể mất nước do mồ hôi nhiều. Buổi tối, mọi người lại thường có thói quen bật quạt mạnh, sử dụng điều hòa ở nhiệt độ thấp. Một số người tắm lạnh ngay sau khi vừa đi ngoài trời nóng... Những thói quen này khiến đường thở giảm sức đề kháng, tế bào niêm mạc đường hô hấp hoạt động kém làm gia tăng nhiễm khuẩn. Đặc biệt, khi đi du lịch bạn cần chú ý lập kế hoạch, chuẩn bị kỹ lưỡng, chăm sóc bản thân để phòng bệnh.
Với người bệnh hô hấp mạn tính
Bác sĩ Hưng khuyên, người bệnh đánh giá về khả năng đi máy bay của bản thân trước khi du lịch vì có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng hô hấp, các bệnh kèm theo. Khi máy bay đạt độ cao nhất định, áp suất oxy giảm khiến độ bão hòa oxy của người khỏe mạnh giảm xuống 85-91%, sau đó sẽ bù lại oxy. Những người có thể đi bộ 50 m với tốc độ bình thường hoặc leo cầu thang không bị khó thở sẽ chịu được môi trường không khí khi đi máy bay. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ cần oxy bổ sung, phải thực hiện đánh giá thêm.
Bạn cần liên hệ với hãng hàng không trước khi đặt vé nếu cần bổ sung oxy trong quá trình di chuyển để được cung cấp các thiết bị như máy khí dung hoặc máy CPAP.
Người bệnh có thể mang theo thuốc kháng sinh, steroid để kiểm soát các đợt cấp của bệnh đường hô hấp dựa trên đánh giá của bác sĩ về tình trạng sức khỏe. Bạn chuẩn bị bản sao của tất cả đơn thuốc để mang theo khi đi du lịch. Mỗi người cũng nên tìm hiểu quy định về việc mang thuốc của hãng hàng không.
Với người không có bệnh lý mạn tính
Virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm trùng đường hô hấp. Các tác nhân gây bệnh phổ biến bao gồm rhinovirus, virus hợp bào hô hấp, virus cúm, virus parainfluenza, sởi, quai bị, adenovirus và nCoV. Trước khi đi du lịch, bạn nên tiêm phòng vaccine phòng ngừa một số bệnh đường hô hấp như cúm, phế cầu, ho gà, bạch hầu, sởi...
Mỗi người hạn chế tiếp xúc gần với những người đang ho, hắt hơi; đeo khẩu trang khi ra đường hoặc khi đi tới những khu vực đông người. Bạn rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay diệt khuẩn để loại bỏ virus. Đồng thời, tránh chạm tay vào mắt mũi miệng.
Để hạn chế tình trạng sốc nhiệt, cảm sốt ảnh hưởng đến đường hô hấp, mỗi người không nên tắm ngay sau khi từ ngoài trời nóng về. Khi bật điều hòa, bạn không nên để nhiệt độ trong phòng quá lạnh, duy trì 25-26°C vào ban ngày, 27-28°C vào ban đêm. Bạn chú ý tạo độ ẩm không khí phù hợp, tránh để bị khô mũi họng khi ngủ, có thể sử dụng máy tạo độ ẩm để trong phòng.
Cần bổ sung nước cho cơ thể trong những chuyến du lịch vào mùa hè. Điều này cũng giúp duy trì độ ẩm cho lớp niêm mạc mũi, họng, phòng chống bệnh viêm nhiễm.
Mặt khác, để nâng cao sức đề kháng, chống lại các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp thường gặp, cần cố gắng duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng trong kỳ du lịch, đặc biệt là nhóm thực phẩm giàu vitamin C. Chú ý súc miệng hằng ngày, hạn chế tiếp xúc môi trường khói bụi, khói thuốc lá,...
Lục Bảo