Liệu pháp hô hấp là các biện pháp can thiệp vào đường thở giúp người bị rối loạn hô hấp, khó thở điều trị hiệu quả. Đối tượng cần sử dụng liệu pháp hô hấp là người có mức oxy thấp, cần thủ thuật mở khí quản, đặt ống thở vào cổ để không khí vào phổi, yêu cầu máy thở. Người có một tình trạng mạn tính gây ra các vấn đề về hô hấp, mắc bệnh tim, suy tim, mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), phổi viêm không hồi phục, Covid-19 (nhiễm trùng hô hấp do virus), ngưng thở khi ngủ, viêm phổi do nhiễm trùng cũng cần đến phương pháp này.
Ngoài ra, người mắc bệnh xơ nang - tình trạng di truyền làm tổn thương phổi, đường tiêu hóa, hen suyễn nặng (bệnh phổi mãn tính khiến đường thở bị viêm, co thắt), dễ bị rối loạn hô hấp.
Để chữa trị hiệu quả cho người bệnh, các chuyên gia đã đưa ra những liệu pháp phổ biến:
Liệu pháp hô hấp khẩn cấp: các bác sĩ điều trị hô hấp làm việc trong khoa cấp cứu hoặc chăm sóc khẩn cấp có thể hỗ trợ bệnh nhân thông khí, cho bệnh nhân thở máy trong trường hợp bị khó thở, không tự thở bình thường bằng đường mũi.
Quản lý đường thở: bác sĩ sẽ đánh giá và tìm ra các giải pháp phù hợp với tình trạng tắc nghẽn đường thở của người bệnh, đồng thời theo dõi sát các triệu chứng hô hấp.
Đặt nội khí quản: đây là biện pháp đưa một ống dẫn khí mềm vào mũi hoặc miệng để tạo điều kiện cho không khí vào và ra khỏi phổi.
Với người mắc bệnh mãn tính về hô hấp như hen suyễn, phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) hoặc ngưng thở khi ngủ. Bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn các bài tập thở để cải thiện triệu chứng, tình trạng hô hấp.
Ở người cao tuổi, mắc các bệnh mãn tính về hô hấp như khí phế thũng (bệnh phổi tiến triển), ung thư phổi, phổ biến hơn ở những người trên 65 tuổi), mức oxy trong phổi thấp, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Các bác sĩ sẽ xem xét, đánh giá tình trạng, tư vấn các loại thuốc phù hợp để bệnh nhân sử dụng.
Với trẻ nhỏ, việc trị liệu hô hấp chủ yếu áp dụng với trẻ sơ sinh hoặc trẻ bị rối loạn đường thở, khó thở. Quá trình điều trị cho trẻ nhỏ khác với người lớn, do kích thước, tính chất bệnh ở đường hô hấp của hai đối tượng này khác nhau. Thông thường, chuyên gia sẽ mất nhiều thời gian điều trị cho trẻ em hơn so với người lớn.
Trong một buổi trị liệu hô hấp, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng rối loạn phổi, hô hấp, khám ngực, phân tích âm thanh hơi thở, kiểm tra các dấu hiệu quan trọng (mạch, huyết áp, nhịp hô hấp, nhiệt độ). Chuyên gia lấy máu xét nghiệm, làm việc với các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác để xác định biện pháp điều trị tốt nhất, dùng máy thở, quản lý đường thở nhân tạo, hỗ trợ nội soi phế quản (ống có camera được đưa qua mũi hoặc miệng để xem đường thở). Bác sĩ dạy bệnh nhân các bài tập để cải thiện nhịp thở, hướng dẫn sử dụng thiết bị điều trị oxy bổ sung.
Bệnh nhân có thể điều trị hô hấp tại bệnh viện (nội trú) hoặc tại nhà, phòng khám (ngoại trú). Khi điều trị nội trú trong bệnh viện hoặc cơ sở điều trị khác, người bệnh được sử dụng liệu pháp hô hấp để dễ thở. Ví dụ, nếu lên cơn hen suyễn nặng, người bệnh bổ sung oxy hoặc sử dụng máy thở nếu có các triệu chứng mắc Covid-19 nặng.
Tại nhà,chuyên gia hướng dẫn cách sử dụng thiết bị y tế được chỉ định như máy tạo oxy. Hầu hết các thiết bị cung cấp oxy đều có ống nối với ngạnh mũi hoặc mặt nạ.Nếu cảm thấy khó thở hoặc thở gấp, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ để nhận tư vấn dùng liệu pháp hô hấp, giúp quá trình điều trị hiệu quả. Bác sĩ trị liệu sẽ giúp kiểm soát vấn đề hô hấp mạn tính. Liệu pháp hô hấp đóng vai trò quan trọng giúp những người bị khó thở, rối loạn hô hấp, mắc bệnh tim, phổi mạn tính cải thiện triệu chứng, nâng cao chất lượng sống.
Minh Thúy (Theo Very Well Health)