Ô mai (xí muội) được chế biến từ các loại quả chua như mơ, mận, me... ngâm muối hoặc đường, phơi khô cùng các loại nguyên liệu khác như gừng, cam thảo. Ô mai có vị chua, ngọt, mặn, là món ăn vặt được ưa chuộng trong các dịp lễ, Tết.
ThS.BS Nguyễn Văn Ngân, Khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết vị chua - ngọt của ô mai kích thích tiết nước bọt, làm ẩm khoang họng, giảm cảm giác ngứa, rát họng. Muối dùng trong ô mai có thể sát trùng hầu họng, ngăn chặn virus và vi khuẩn, giảm nguy cơ nhiễm trùng ở miệng, cổ họng. Gừng giữ ấm, phòng ngừa ho do nhiễm lạnh, cảm lạnh thường gặp trong mùa đông.
Thai phụ khi có biểu hiện ho, cảm cúm thường lo lắng, không sử dụng thuốc vì sợ ảnh hưởng tới thai nhi. Nhiều người sử dụng các mẹo dân gian, ngậm ô mai để chữa ho. Bác sĩ Ngân lưu ý ngậm ô mai chỉ dịu cổ họng, bớt cảm giác khó chịu do ho kéo dài, không thay thế thuốc chữa bệnh nếu nguyên nhân gây ho do cảm cúm, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn (COPD)... Người bệnh nên đi khám để xác định nguyên nhân gây ho và điều trị phù hợp.
Quá trình sản xuất ô mai gồm nhiều công đoạn. Bác sĩ Ngân khuyến cáo người dùng nên lưu ý khi chọn sản phẩm.
Tránh các loại màu sắc rực rỡ: Nhiều người sử dụng phẩm màu để sản xuất ô mai. Theo bác sĩ Ngân, các chất này có thể gây hại nếu ăn quá liều lượng. Ví dụ như phẩm màu carmine giúp tạo màu đỏ cho đồ ăn chay, bánh kẹo, các sản phẩm từ thịt, mứt trái cây... Nếu sử dụng quá liều lượng có thể dẫn đến buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, kích ứng da.
Hạn chế dùng ô mai quá ngọt hay quá mặn: Hương vị nồng gắt của ô mai có thể kích thích đường thở, làm khởi phát các đợt cấp ở người bị hen suyễn hoặc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Các loại ô mai có kết tinh muối hoặc đường ở bề mặt dễ gây phản ứng ho, sặc khi ăn. Chỉ nên nhấm nháp miếng nhỏ khi ăn ô mai.
Ô mai thường có thể bảo quản rất lâu mà không cần đến tủ lạnh. Người dùng nên bảo quản kín, tránh bị hơi ẩm gây nấm mốc. Với các loại có kết tinh đường và muối bên ngoài, mốc trắng thường khó phân biệt hơn, dễ nuốt phải và gây bệnh.
Ô mai có thể nhiễm độc từ nguồn nguyên liệu sản xuất không đảm bảo chất lượng, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, hoa quả dập, thối, nấm mốc. Nếu mua những sản phẩm làm thủ công thì nên quan tâm đến nguồn gốc, hạn sử dụng trước khi dùng.
Khuê Lâm
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |