Ho là phản xạ tự nhiên giúp cơ thể loại bỏ chất gây kích ứng ra khỏi đường hô hấp như bụi, phấn hoa, chất bài tiết, vi sinh vật, dị vật.
Bác sĩ Mai Mạnh Tam, Phó khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết ho về đêm rất thường gặp. Dưới tác động của trọng lực và lực ép cơ thể, ở tư thế nằm, đường thở có xu hướng hẹp hơn bình thường. Vào ban đêm, cơ thể tiết ít epinephrine - loại hormone có chức năng làm giãn đường thở, khiến chất nhầy tích tụ lại trong cổ họng, gây kích ứng và kích thích phản xạ ho.
Thời tiết ban đêm lạnh hơn cũng là lúc hệ hô hấp hoạt động mạnh để đào thải chất nhầy và các tác nhân gây bệnh. Điều này dẫn đến ho liên tục, làm gián đoạn giấc ngủ, ảnh hưởng sức khỏe. Tình trạng này kéo dài có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý dưới đây.
Hội chứng chảy mũi dịch sau: Các tuyến trong mũi, họng liên tục sản xuất chất nhầy để làm ẩm và sạch niêm mạc mũi, không khí chống lại nhiễm trùng.
Nếu cơ thể sản sinh quá nhiều chất nhầy, chúng sẽ tụ lại trong mũi xoang, chảy xuống thành sau cổ họng, gây kích ứng họng, kích thích cơn ho. Hiện tượng này còn gọi là hội chứng chảy dịch mũi sau, thường xảy ra khi cảm lạnh, cúm, dị ứng.
Hen phế quản: Đây là tình trạng viêm mạn tính đường thở, làm tăng co thắt, phù nề và xuất tiết, gây ho khan. Nếu ho có đờm thường là cuối cơn hen hoặc khi hen phế quản bội nhiễm. Ho thường xảy ra về đêm và lúc gần sáng, kèm theo triệu chứng như thở khò khè, có tiếng rít khi thở, tức ngực hoặc đau ngực.
Viêm mũi xoang: Khi niêm mạc xoang cạnh mũi bị viêm, chất lỏng hoặc chất nhầy bị tích tụ bên trong. Do không đào thải được ra ngoài qua đường mũi, chất nhầy chảy ngược xuống cuống họng, gây ho nhiều, nhất là về đêm.
Ho gà: Bệnh nhiễm trùng hô hấp nghiêm trọng này do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra, có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Dấu hiệu ban đầu của bệnh thường dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Khi nhiễm trùng tiến triển, bệnh có thể gây ra triệu chứng đặc trưng như khó thở, ho nhiều về đêm. Cơn ho dữ dội hoặc kiểu co thắt, thường kết thúc bằng tiếng thở rít, âm sắc cao.
Viêm phổi: Đây là tình trạng nhu mô phổi bị viêm nhiễm do virus, vi khuẩn, nấm, hóa chất. Các phế nang, đường dẫn khí trong phổi chứa nhiều chất lỏng hoặc mủ, gây ho có đờm, sốt, ớn lạnh và khó thở.
Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD): Viêm niêm mạc đường thở mạn tính gây rối loạn thông khí tắc nghẽn ở phổi. Bệnh gây ho có đờm kéo dài, thường xuyên khó thở, thở khò khè, đau tức ngực do đường thở bị hẹp hơn so với bình thường.
COPD được chia làm hai dạng, viêm phế quản mạn tính và khí phế thũng, thường gặp ở người nghiện thuốc lá, tiếp xúc với không khí độc hại.
Lao phổi: Bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, xảy ra khi vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis tấn công chủ yếu vào phổi. Triệu chứng là ho dữ dội có đờm hoặc lẫn máu, kéo dài từ ba tuần trở lên. Người bệnh có thể đau ngực, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, sốt, ớn lạnh và đổ mồ hôi ban đêm.
Trào ngược dạ dày: Bệnh không chỉ gây ho mà còn khiến tình trạng này nặng hơn. Bệnh xảy ra theo hai cơ chế là axit trào ngược vào thực quản khiến cơ thể sinh ra phản xạ ho hoặc dịch trào ngược di chuyển lên trên và đi vào đường thở, gây kích thích ho. Trào ngược thường xuyên dẫn đến viêm họng, thanh quản, kích ứng cổ họng, khiến người bệnh ho nhiều, thở khò khè.
Bác sĩ Tam lưu ý nếu ho khan không kèm theo triệu chứng khác, diễn biến trong thời gian ngắn ngày là bệnh lý không đáng lo ngại. Để giảm ho nhiều về đêm, người bệnh có thể hút bụi đệm để bớt các tác nhân dị ứng (bụi, lông động vật, nấm mốc...); thay ga, vỏ gối định kỳ. Người bệnh nên bỏ thuốc lá; uống đủ nước; rửa mũi bằng nước muối sinh lý; súc họng bằng nước muối hoặc dung dịch súc họng trước khi ngủ. Giữ nhiệt độ phòng tốt nhất trong khoảng 26-28 độ C, độ ẩm 30-60%; tránh tiếp xúc gần với chó, mèo, chim cảnh... cũng giúp giảm ho.
Trường hợp ho kéo dài trong vài tuần hoặc ho ra chất nhầy đổi màu hay có máu, kèm theo sốt, khó thở hoặc đau ngực, gầy sút cân là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Khi có những triệu chứng này, người bệnh nên đến bác sĩ khám sớm để được điều trị.
Các bệnh gây ho về đêm kéo dài có triệu chứng gần giống nhau. Để chẩn đoán phân biệt chính xác, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh ngoài làm xét nghiệm máu, nuôi cấy dịch đờm, người bệnh cần thực hiện thêm thăm dò chức năng hô hấp, chụp X-quang phổi hoặc chụp cắt lớp vi tính CT vùng ngực.
Trịnh Mai
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh hô hấp tại đây để bác sĩ giải đáp |