Đọc bài viết "Bất cập giữa số năm làm việc và độ tuổi nghỉ hưu", tôi nhận thấy nhiều người lao động chưa hiểu thật đúng và đủ về chính sách BHXH. Điều này cũng không lạ bởi đa phần người dân chưa tiếp cận đầy đủ và chính xác về các chính sách liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của mình. Việc thiếu thông tin dẫn tới có ý kiến chưa chuẩn cũng là điều tất yếu.
Trách nhiệm này thuộc về cơ quan BHXH nói riêng cũng như toàn hệ thống chính trị nói chung. Việc phổ biến quy định pháp luật về BHXH hiện nay còn quá khô khan, khó tiếp cận, mang tính hành chính, khiến người dân khó hiểu, khó nhớ. Tôi xin phản hồi ý kiến thắc mắc của một số người như sau:
Thứ nhất, công thức tính lương hưu để hưởng mới (bắt đầu hưởng) thì bản thân mức đóng thực tế đã được điều chỉnh trượt giá (hàng năm Bộ Lao động Thương Binh và Xã hội sẽ có thông tư đưa ra mức điều chỉnh dựa trên chỉ số lạm phát hàng năm) chứ không phải không được điều chỉnh như suy nghĩ của nhiều người. Và sau khi đã được tính mức lương hưu thì hàng năm Bộ vẫn điều chỉnh bằng cách tăng lương hưu mỗi năm để tiếp tục bù đắp cho lạm phát trong thời kỳ hưởng.
Thứ hai, trước khi có luật BHXH (năm 2006) gần như nền kinh tế là các công ty Nhà nước chủ đạo (tham gia BHXH bằng bảng lương theo Nhà nước quy định) nên trước đó việc tính lương hưu đa số chỉ tính trung bình 5 năm cuối. Điều này hiện đã không còn phù hợp khi nền kinh tế có sự tham gia nhiều hơn của khối tư nhân, nước ngoài và liên doanh.
Chính vì vậy cần phải điều chỉnh số năm tính lương hưu, và điều chỉnh cần phải có lộ trình nên tính 5 năm, 6, 8,10, 15, 20 hay toàn bộ quá trình là hợp lý. Nó cũng như việc tăng tuổi hưu cho nữ và nam từ 2018 thì cũng cần lộ trình. Không thể thay đổi ngay lập tức tạo sự chênh lệch quá nhiều của cùng một đối tượng mà thời gian hưởng chỉ cách nhau 1-2 tháng.
>> 'Bất cập giữa số năm làm việc và độ tuổi nghỉ hưu'
Thứ ba, mức hưởng lương hưu tối đa ở nước ta là 75% - thuộc top những nước cao nhất thế giới. Đa số các nước trên thế giới hiện nay chỉ tính lương hưu bằng 50-60 % lương đóng BHXH (tất nhiên tỷ lệ đóng của họ cũng thấp hơn). Tuy nhiên, lương hưu ở Việt Nam thấp vì mức lương đóng BHXH cũng thấp hơn nhiều lần so vớ thu nhập thực tế (trong khi thu nhập thực tế ở ta lại thấp hơn rất nhiều các nước phát triển). Điều đó dẫn tới chênh lệch lương hưu ở Việt Nam so với các nước khác. Hiểu nôm na là người Việt đóng BHXH ít nên hưởng lương hưu cũng thấp theo.
Thứ tư, tuổi thọ của người dân trên thế giới cũng như của người Việt đang ngày càng tăng, dẫn đến xu hướng tăng tuổi nghỉ hưu ở tất cả các nước nói chung. Việt Nam cũng sẽ không là ngoại lệ. Đồng ý là những người làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại, có tuổi thọ thấp hơn, nhưng luật cũng cho phép họ nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với người lao động thông thường khác. Thế nên, nếu nói họ thiệt thòi hơn thì cũng không hoàn toàn chính xác.
Thứ năm, chính sách BHXH không khuyến khích ai chờ hưởng lương hưu cả. Ví dụ bạn mới 35 tuổi, đã đóng BHXH được đủ 15 năm thì bạn cũng vẫn phải lao động vì đang trong tuổi sung sức nhất, bản thân cũng phải tích lũy để chăm sóc con cái, cha mẹ. Những ai còn trẻ mà đã tính nghỉ lao động để chờ lương hưu thì tất nhiên không bao giờ đủ sống được. Nên nhớ, tham gia BHXH 15 năm chỉ là mức tối thiểu để được hưởng lương hưu, còn mục tiêu vẫn phải là đạt tỷ lệ hưởng cao nhất để có cuộc sống tuổi già tốt hơn.
Chúng ta đừng đặt những tình huống mà hiếm xảy ra trong thực tế. Bởi với đa số người dân, đặc biệt là người Việt, chẳng ai còn sức mà ngừng lao động cả, kể cả có dư dả thì người ta vẫn đi làm, đấy thôi. Lao động không chỉ để kiếm tiền, nó còn là cách làm chậm lão hóa về cơ bắp lẫn trí não. Tất nhiên, bạn cần lao động phù hợp với sức khỏe của mình ở từng thời điểm.
Ngoài ra, nhiều người còn nhầm lẫn các vấn đề như:
Tại sao đóng BHXH 35 năm nhưng chỉ hưởng được hơn 10 năm? Chúng ta phải xác định rằng mức đóng hàng tháng vào quỹ hưu trí tử tuất là 22%, và nếu hưởng 75% (đóng 35 năm với nam và 30 năm với nữ) thì mỗi năm hưởng lương hưu cần tới 3-4 năm đóng BHXH (giả sử trượt giá đã được tính đủ mức lạm phát). Điều này cho chúng ta thấy, với 30 năm hay 35 năm đóng BHXH cũng chỉ đủ chúng ta hưởng khoảng 10 năm lương hưu (chưa tính chi phí quản lý bộ máy). Thế nên, không có gì là bất công ở đây cả.
Cả mức đóng BHXH của công ty và cá nhân là 32%? Thực tế, trong 32% này được chia ra rất nhiều quỹ như:
- Bảo hiểm y tế (4,5%): nếu không hưởng sẽ không được bảo lưu, như việc mua BHYT tự nguyện hàng năm;
- Bảo hiểm thất nghiệp (2%): sẽ được hưởng khi thất nghiệp, chỉ không được hưởng khi cả đời không thất nghiệp cho đến lúc nghỉ hưu;
- Tai nạn lao động - bệnh hiểm nghèo (0,5%): nếu cả đời làm việc may mắn không bị tai nạn lao động hay bệnh thì quỹ này cũng không bảo lưu hoàn trả. Nó giống như công ty mua bảo hiểm tai nạn cho nhân viên và nếu không ai bị tai nạn thì cũng không được hoàn trả;
- Ốm đau thai sản (3%): phần này thì cả đời ai đi làm cũng ít nhiều được hưởng, nhất là phụ nữ sẽ được lợi hơn, nam giới thiệt hơn nhưng coi như đóng bù cho vợ mình. Nếu ai đóng full mà phải nghỉ bệnh lâu sẽ thấy hưởng mức này cao thế nào.
Phải chờ đúng tuổi nghỉ hưu (60 tuổi với nữ và 62 tuổi với nam) mới được hưởng lương hưu? Điều này từ trước tới nay đã có quy định cho người làm công việc nặng nhọc độc hại (ví du như công nhân may, công nhân sản xuất đồ gỗ...) được nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với những người làm công việc bình thường. Hay nếu người lao động suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên cũng được nghỉ sớm 5 năm nữa (tổng cộng là 10 năm với người làm công việc nặng nhọc độc hại và 5 năm với người lao động bình thường).
Nếu đi so sánh mức đóng và hưởng ở Việt Nam (tỷ lệ đóng hưởng, số năm đóng, số năm hưởng) so với các nước khác trên thế giới thì người Việt đang hưởng ở mức cao hơn nhiều. Đây cũng là một phần của chính sách đóng- hưởng bất hợp lý trước kia và các tổ chức quốc tế về an sinh xã hội luôn cảnh báo Việt Nam. Dẫn tới các chính sách sau này phải điều chỉnh để đảm bảo cân đối quỹ bền vững. Từ đây, người tham gia BHXH nhìn thấy chính sách không ổn định, quyền lợi đa số bị giảm, nên dẫn đến mất dần niềm tin.
>> 'Tăng tuổi hưu là xu thế tất yếu'
Để khắc phục tình trạng rút BHXH một lần, chúng ta cần đồng bộ rất nhiều biện pháp và cả thời gian, của toàn xã hội, chứ không hề đơn giản, đặc biệt là tạo công ăn việc làm cũng như đào tạo nâng cao tay nghề của người lao động để tăng thu nhập. Nếu không khắc phục sớm, hậu quả 20-30 năm sau sẽ rất nặng nề.
Về cơ bản không ai lấy BHXH ra để sinh lời nếu không muốn nói còn phải bù đắp thêm. Chính sách BHXH là một chính sách đúng đắn, không chỉ ở Việt Nam mà với mọi quốc gia. Vậy nên, kể cả ở những quốc gia có dân trí cao, trình độ sản xuất phát triển, nền kinh tế đã phát triển trong thời gian dài, họ cũng áp dụng chính sách BHXH bắt buộc và không cho hưởng BHXH một lần.
Vấn đề là hiện nay chính sách của chúng ta đã hợp lý chưa? Chỗ nào chưa hợp lý thì cần phải điều chỉnh. Và người lao động cũng phải xác định quyền lợi thì ai cũng muốn cao cả, tuy nhiên tiền thì có hạn vì hiện nay tất cả ngân quỹ cũng là từ người lao động và các công ty đóng góp cả, cộng thêm một phần lãi phát sinh từ quỹ kết dư. Thế nên, mức hưởng lương hưu phải dựa trên đó chứ không phải cứ muốn là được hưởng cao. Nếu người trước hưởng cao thì người sau đâu còn để hưởng nữa?
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.