Tôi hiện có mức lương 6 triệu đồng một tháng. Nếu căn cứ theo mức tính lương hưu hiện nay là 45%, thì số tiền tôi nhận được mỗi tháng là vỏn vẹn 2,7 triệu đồng, tức thấp hơn mức chuẩn nghèo của thành phố (3,8 triệu đồng một tháng). Thế nhưng ngay cả khi muốn cải thiện khoản lương hưu này, tôi cũng không biết phải làm thế nào?
Trong khi đó, công ty của tôi chỉ đóng BHXH theo mức lương tối thiểu vùng. Khả năng hiện nay, tôi có thể đi làm thêm để nộp BHXH tự nguyện, mong sau này có mức lương hưu tạm đủ sống. Nhưng chính sách BHXH lại không có quy định cho phép người lao động nộp gộp (vừa BHXH bắt buộc, vừa BHXH tự nguyện). Vậy là tôi muốn đóng thêm cũng không được.
Tiền lương hưu vốn phụ thuộc vào tiền đóng, nhưng đến nay BHXH vẫn chưa khuyến khích người lao động đóng thêm ngoài khoản BHXH bắt buộc. Với mức lương hưu dưới 3 triệu đồng một tháng, có lẽ tôi chỉ đủ mua gạo và ít rau củ, cùng tiền điện nước để sống qua ngày. Chắng dám nghĩ gì đến tiền thuốc men, khám chữa bệnh...
>> 'Rút BHXH một lần vì lương hưu dưới chuẩn nghèo'
Do đó, theo tôi Nhà nước nên xem xét lại quy định, cho phép người lao động tự đóng thêm BHXH tự nguyện để tăng mức lương hưu. Nếu ai đóng BHXH bắt buộc mà mức lương hưu dưới một chuẩn nào đó, chẳng hạn là 5 triệu đồng một tháng, thì nên khuyến khích người dân nộp thêm BHXH tự nguyện để sau này có một mức lương hưu tạm đủ sống.
Cứ hình dung đóng BHXH 20 năm mà đến khi về hưu chỉ nhận được có 2,7 triệu đồng một tháng, thì chắc tôi cũng sẽ tìm cách rút một lần cho xong.
Trải qua nhiều lần điều chỉnh lương hưu, nhưng trên thực tế, một bộ phận không nhỏ người lao động về hưu vẫn chỉ nhận số tiền trợ cấp hàng tháng ít ỏi. Nếu mỗi người dân ở thành phố được xem là thoát nghèo nếu thu nhập mỗi năm 46 triệu đồng, tức mỗi tháng 3,8 triệu đồng, thì lương hưu của nhiều người còn thấp hơn mức nghèo.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.