Chia sẻ về định hướng sửa Luật bảo hiểm xã hội, đại diện Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết năm 2023 sẽ trình luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15, hướng tới 10 năm để lao động sớm hưởng lương hưu. Quan điểm này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người lao động. Trong đó, nhiều người cho rằng, việc thay đổi chính sách theo hướng giảm năm đóng BHXH thay vì giảm tuổi nghỉ hưu sẽ không đem lại nhiều chuyển biến tích cực:
Đồng quan điểm, độc giả Gia Linh lấy ví dụ từ bản thân mình: "Giảm thời gian tham gia bảo hiểm mục đích chỉ là để ngăn người lao động rút BHXH một lần mà thôi. Cái quan trọng là phải giảm tuổi hưởng lương hưu. Tôi năm nay 33 tuổi, đóng BHXH được 11 năm. Bạn bè tôi nhiều người đã đóng được 14-15 năm rồi (do họ học xong cấp ba là đi làm công nhân). Vậy nếu không có gì thay đổi thì khoảng chín năm nữa, khi ngoài 40 tuổi là tôi đã đủ 20 năm đóng BHXH. Làm ở khu công nghiệp rất khốc liệt, nhiều công ty sa thải người làm thâm niên (nhất là với công việc lao động chân tay) để tuyển người mới. Như vậy, đủ năm đóng bảo hiểm thì để làm gì trong khi công việc không có".
>> 'Rút BHXH một lần vì tăng lương không theo kịp bão giá'
Quy định mới nhất tại Bộ Luật lao động (năm 2019), tuổi hưu sẽ tăng dần 62 tuổi đối với nam vào năm 2028 và 60 tuổi với nữ vào năm 2035. Khi tuổi hưu tăng lên, thời gian chờ của người lao động càng kéo dài, có khi đến 20 năm; nếu hạ mức đóng tối thiểu xuống thời gian chờ sẽ lâu hơn. Điều này quá sức chịu đựng với nhiều người lao động.
Bạn đọc Hien Le Thanh bày tỏ lo lắng: "Tôi cũng đi làm công ty, dù không phải công nhân, nhưng nghe họ nói, tôi thấy thật xót xa và hiểu rằng người lao động đã phải đánh đổi nhiều sức lực như thế nào (có ai làm được 12h một ngày trong chừng đấy năm không?) để nhận về đồng lương mà phải chắt bóp lắm mới đủ nuôi con, chứ làm gì có dư cho tuổi già sau này.
Vì vậy, mong những người làm chính sách về BHXH nên tìm hiểu thật kỹ điều kiện, khả năng lao động và tâm tư nguyện vọng của công nhân, vì họ chiếm phần lớn trong số những người tham gia BHXH . Đúng là có giảm về 10 năm hay thấp hơn số năm đóng bảo hiểm mà chờ tuổi được lãnh lương hưu xa vời vợi thế kia cũng như không, chưa nói lương được bao nhiêu khi số năm đóng ít như vậy. May ra, cách này chỉ hạn chế được số người đủ điều kiện rút một lần và cuối cùng chỉ có BHXH là dễ thở hơn mà thôi".
Khẳng định hạ tuổi về hưu có ý nghĩa hơn giảm năm đóng BHXH, độc giả Quý Đức nhấn mạnh: "Cái người lao động cần là giảm tuổi hưởng lương hưu chứ không phải là giảm năm đóng BHXH xuống 15 hay 10 năm. Giả sử giảm năm đóng xuống 10 năm thì người người lao động vẫn sẽ chia nhỏ giai đoạn để rút BHXH một lần, và càng nhiều người chọn hình thức này. Lý do là bởi cứ chín năm tôi lại ngưng đóng để rút BHXH, sau đó tôi đóng tiếp chín năm nữa rồi lại rút lần hai. Cuối cùng, tôi đóng 10 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Như vậy, người lao động sẽ lợi hơn là cứ đóng 25 hay 30 năm, vì phải chia trung bình của cả quá trình đóng BHXH.
Việc giảm từ 20 năm xuống 15 năm hay 10 năm chỉ nhằm mục đích ngăn chặn những ai đã tham gia từ năm thứ 11 hay năm thứ 16 sẽ không được rút, chứ không phải nhằm mục đích khuyến khích người lao động yên tâm tham gia BHXH như những gì người ta đang cố gắng giải thích. Tôi nghĩ nhiều công ty sẽ hỗ trợ người lao động về vấn đề tái ký hợp đồng lao động nếu có nhu cầu rút BHXH một lần".
Cả nước hiện có khoảng 55 triệu lao động, song chỉ hơn 20 triệu người có giao kết, hợp đồng lao động. Hơn 16 triệu người trong đó đóng BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện, tỷ lệ tham gia rất thấp. Thời gian qua, tình trạng người dân rút BHXH một lần ngày một tăng cao, kéo theo những hệ lụy lâu dài với tương lai lao động lẫn chính sách an sinh.
Sau sáu năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập. Thời gian đóng quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, nhiều lao động không chờ được, chọn rút BHXH một lần. Người đóng BHXH tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.