Kết quả khảo sát của công đoàn trong khoảng 5 năm qua luôn cho tỷ lệ trên 30% công nhân thường xuyên bị túng thiếu, không có tích lũy phải vay mượn, thậm chí cắm sổ BHXH, chứng minh thư để có tiền trang trải. 12% lao động thường xuyên vay tiền chi tiêu; 35,5% vay tiền 3-4 lần mỗi tháng. Lương tối thiểu vùng đã được điều chỉnh thêm 6% từ ngày 1/7, song giá xăng dầu tăng liên tục khiến giá cả leo thang, cuộc sống người lao động càng thêm chật vật.
Mức lương bình quân 5-7 triệu đồng của công nhân trong doanh nghiệp theo thống kê đã gộp cả thu nhập của nhóm quản đốc, quản lý. Còn thực tế thu nhập chưa tính tăng ca của lao động trẻ mới đi làm có thể thấp hơn nhiều. Để trang trải, công nhân trong nhà máy hầu hết chọn cách tăng ca.
Cụ thể, công nhân công ty may làm tăng ca quần quật, về đến nhà đã thấm mệt, cần nghỉ ngơi, nhưng vẫn phải lo cho con cái, gia đình. Với thu nhập bình thường của hai vợ chồng, họ chỉ đủ chi tiêu tạm ổn cho một gia đình có con cái, cha mẹ già. Nhưng một khi con cái, cha mẹ hoặc bản thân họ ốm đau, bệnh tật thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công việc, kéo theo thu nhập giảm xuống.
Trong khi đó, bình thường họ làm chỉ đủ ăn nên tiền dự trữ cũng chẳng có bao nhiêu để dùng lúc khẩn cấp. Đó là lý do vì sao nhiều người làm công nhân mà tôi biết cứ định kỳ là họ lại phải nghỉ việc để rút bảo hiểm xã hội. Có những trường hợp làm và đóng bảo hiểm đến mười mấy năm nhưng vẫn nghỉ để rút tiền, rồi một năm sau đó họ mới đi làm lại. Chuyện đóng bảo hiểm 20 năm, chờ đến 55-60 tuổi để lãnh lương hưu là quá xa vời với họ.
>> 'Giảm năm đóng BHXH, lương hưu vẫn không đủ sống'
Nghĩ về đời sống công nhân khi họ còn sức khỏe, tuổi trẻ để đi làm đã vất vả như vậy, nhưng một khi bước qua tuổi trên 40 đến gần 50, họ sẽ càng khó tìm việc làm hơn nữa. Như hoàn cảnh của tôi, ở tuổi 45-47 đã rất khó tìm việc làm rồi. Các công ty giờ chỉ tuyển nhân viên dưới 35 tuổi, còn quản lý thì cao nhất cũng chỉ 40 tuổi.
Người lớn tuổi làm vị trí nhân viên "đến già" cũng khó, mà cũng không phải cứ chắc chắn công việc đang làm sẽ bền lâu. Ai làm thuê trong lĩnh vực làm thương mại sẽ rõ điều này. Còn với các chị em công nhân làm lĩnh vực may mặc, chỉ lớn tuổi một chút là chậm chạp, mắt kém, khó đảm bảo công việc, nguy cơ bị thải loại rất cao.
Và cuộc sống túng quẫn của họ lại nối tiếp. Con cái họ lớn lên không có điều kiện chăm sóc, học hành, dạy dỗ đầy đủ. Vòng lặp nghèo khó vì thế cứ đeo bám lấy công nhân, mà không thể tìm được lối thoát.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.