Tôi rất đồng tình với quan điểm của tác giả bài viết "Tôi không chờ nổi 25 năm để nhận lương hưu một triệu đồng". Bàn đến vấn đề BHXH, tôi thấy còn một số bất cập như sau:
Thứ nhất, cách tính bình quân dựa trên tổng số năm làm việc để làm cơ sở trả lương hưu như hiện nay khiến người lao động thiệt thòi. Chẳng hạn như tôi vào làm công nhân từ năm 1984 đến nay đã được gần 39 năm. Trong khoảng thời gian này, tôi đã nhiều lần chứng kiến tiền lương thay đổi: từ mức lương cơ bản 256.000 đồng lên 272.000 đồng...
Nếu theo cách tính như vậy, đến khi về hưu, mức lương lương hưu của tôi chẵng được là bao nhiêu. Trong khi đó, gần 40 năm qua, mức trượt giá sẽ bao nhiêu phần phần trăm lại chưa được đưa vào công thức tính rõ ràng. Phải chăng đó là một thiếu sót?
Thứ hai, cách tính lương hưu với người lao động tham gia BHXH cũng có sự chênh lệch giữ lực lượng công chức, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước, với người lao động trong công ty cổ phần, doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đây cũng là một sự thiếu công bằng.
Cụ thể đối với người lao động đóng BHXH theo mức lương do Nhà nước quy định: tính bình quân của 5, 6, 8, 10, 15, 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu đối với người lao động (tùy vào thời điểm họ tham gia BHXH). Trong khi người lao động theo khu vực ngoài Nhà nước đóng BHXH theo tiền lương do doanh nghiệp quyết định, và tính bình quân cả quá trình.
Thứ ba, việc quy định chỉ hưởng mức BHXH tối đa 75% lương cơ bản cũng là tính toán không thỏa đáng, khiến người lao động thiếu động lực gắn bó, lựa chọn rút một lần thay vì chờ lương hưu.
>> 'Tăng tuổi hưu là xu thế tất yếu'
Thứ tư, việc nâng tuổi nghỉ hưu và số năm làm việc để được hưởng mức lương hưu tối đa 75% (35 năm, 62 tuổi đối với nam) cũng nhiều bất cập. Chẳng hạn, một nam công nhân làm việc từ năm 20 tuổi, đến năm 55 tuổi, người này đủ số năm để hưởng 75% lương khi về hưu. Nhưng nếu nghỉ việc, người này vẫn phải chờ đến bảy năm sau hoặc chấp nhận mất đi 14% để được hưởng lương hưu.
Bất cập nữa là số năm đóng và số năm hưởng có sự chênh lệch lớn nếu tính tuổi thọ trung bình là 75 tuổi. Đối với lao động trực tiếp, nặng nhọc, độc hại, tuổi thọ thậm chí còn ít hơn rất nhiều. Vậy là người lao động phải đóng BHXH 35 năm nhưng hưởng lương hưu chỉ trên dưới 10 năm hoặc thấp hơn. Như thế liệu còn mấy người muốn tham gia?
Thứ năm, để được hưởng lương hưu (mức tối thiểu tham gia BHXH 15 năm, tối đa 35 năm), thời gian chờ đợi cũng là quá dài. Giả sử, người lao động tham gia từ năm 20 tuổi, để đạt số năm tham gia liên tục tối thiểu đến 35 tuổi, họ vẫn phải chờ 27 năm sau mới được hưởng lương hưu. Liệu rằng có ai chờ được đợi được lâu như vậy không?
Cuối cùng, việc cân nhắc giảm số năm đóng BHXH đi 10 năm đi nữa cũng không có tác dụng gì, bới vấn đề lớn nhất ở đây là tuổi nghỉ hưu cao. Nếu không đánh trúng vào quyền lợi của người lao động, e rằng tình trạng rút BHXH một lần vẫn sẽ không thể giảm bớt.
Lê Văn Hùng
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.