Nếu hỏi tất cả những ai đi làm là muốn đóng BHXH không thì tôi tin 100% đều nói có, vì người lao động hiện nay đóng đâu có nhiều, doanh nghiệp mới đóng chủ yếu. Tuy nhiên, do số tiền đóng quá ít từ doanh nghiệp (ở mức tối thiểu vì lý do giảm chi phí), nên người lao động đều thiệt hại khi nghỉ hưởng thất nghiệp hay tính lương hưu. Đó là lý do tiền lương hưu quá thấp so với mặt bằng của xã hội.
Thêm vào đó, quy định hưởng lương hưu hiện hành là 62 tuổi cho nam và 55 tuổi cho nữ, theo tôi cũng là quá cao. Dù biết rằng sau này người già có xu hướng sống thọ hơn, quỹ BHXH ảnh hưởng khi phải trả lương lâu dài. Nhưng cũng phải nghĩ rằng, một bộ phận lớn người Việt làm công nhân, áp lực chi tiêu cho cuộc sống, cho con cái, bố mẹ già rất lớn, nên thường phải vắt hết sức lao động để làm việc, cày ngày cày đêm ngay từ khi còn trẻ.
Họ không dám đi du lịch, hạn chế ăn chơi, để dành tiền cho tương lai, vì thế khoảng 50 tuổi là hầu như ai cũng rệu rã hết, bệnh hoạn nhiều, thậm chí còn bị doanh nghiệp cho nghỉ việc sớm, rơi vào cảnh thất nghiệp. Thế nên, khoảng thời gian chờ đến lúc nhận lương hưu như vậy là quá lâu. Người lao động không còn cách nào khác là lãnh một cục để có tiền cho hướng đầu tư khác khi không còn việc để làm.
Hiện nay, sau 20 năm cống hiến lao động, nhưng lương bình quân để tính lương hưu chỉ bằng 45% trung bình lương đóng bảo hiểm, nếu tối đa 35 năm thì được 75%. Nếu đóng theo mức lương cơ bản thì thậm chí lương hưu còn không bằng lương cơ bản nữa. Như vậy thử hỏi sao người lao động không thấy nản chí, khi thấy tương lai mình quá mịt mù. Ngày nay, có đề xuất giảm thời gian đóng BHXH xuống 10 năm, nhưng tôi cho rằng đây không phải là giải pháp hiệu quả để giữ chân người lao động ở lại với BHXH.
>> 'Thuế thu nhập 150 triệu nhưng công ty đóng BHXH lương 5 triệu'
Nếu không tính bình quân lương của 10 năm gần nhất, mà vẫn duy trì cách tính bình quân lương 20 năm như hiện tại thì có giảm số năm đóng BHXH xuống, tôi tin người lao động vẫn sẽ rút một lần. Lý do là những năm đầu đời đi làm, chúng ta thường nhận lương rất thấp. Chờ tuổi hưu đã quá lâu, mà lương hưu tính bình quân lại quá thấp, nên chắc chắc người ta sẽ rút một lần.
Ví dụ một người đi làm lúc 25 tuổi , đóng BHXH 10 năm đến 35 tuổi. Vậy nếu đóng hai lần, thành 20 năm, tức 45 tuổi rồi thất nghiệp, họ vẫn phải ngồi chờ đến 62 tuổi mới được lãnh lương hưu. Thử hỏi có mấy ai chờ nổi, nên chắc họ vẫn rút một lần rồi đóng tiếp để đủ 10 năm chờ lương hưu.
Tóm lại, người lao động chỉ mong muốn có sự công bằng trong hệ thống tính lương hưu, được hưởng mức lương tương xứng với số tiền mình đã đóng để ít nhất cũng đủ sống.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.