Câu chuyện về những chính sách của BHXH và cách tính lương hưu thời gian qua luôn có hai luồng quan điểm trái ngược nhau. Những cuộc tranh luận kiểu này thường không bao giờ có điểm dừng, và ai cũng có cái lý của riêng mình để ủng hộ hoặc phản đối. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, nếu như nhìn các nước phát triển hơn chúng ta cả thế kỷ, có thể thấy họ cũng luôn duy trì BHXH như một kênh an sinh xã hội tốt nhất cho mọi người, và tuổi hưu cũng được tính tăng lên phù hợp với tuổi thọ. Nước ta cũng phải làm như họ, không có cách nào khác.
Thực ra, cái mà BHXH lo lắng đó là tuổi thọ người dân ngày càng cao thì thời gian hưởng lương hưu càng dài, trong khi đó lực lượng lao động trẻ ngày càng giảm do tỷ lệ sinh ít, dẫn đến nguy cơ không có người làm, quỹ BHXH sẽ thiếu hụt. Do đó, họ phải cân đối mức đóng và hưởng như thế nào cho hợp lý cũng là điều dễ hiểu. Còn người lao động lại cho rằng việc cộng cả quá trình làm việc để tính lương hưu là chưa hợp lý do lương thấp, lạm phát tăng cao, tuy có tính thêm phần trượt giá nhưng vẫn thấp hơn lạm phát thực tế. Từ đó, dẫn đến những tranh cãi dai dẳng.
Ngày nay, tỷ lệ người phải rút BHXH một lần ngày càng tăng cao. Chúng ta phải đặt ra một câu hỏi rằng tại sao lại có tình trạng như vậy? Ví dụ, ở tuổi 40, bị mất việc, nhiều người đi làm gần 20 năm nhưng vẫn ở tình trạng không có đồng tiền tiết kiệm nào để duy trì cuộc sống trong vài tháng đến một năm, trong lúc chờ tìm việc mới. Và họ buộc phải rút BHXH một lần.
Vậy vì sao lại có cơ sự đó? Đó là do lương quá thấp, trong khi giá nhà, giá thực phẩm lại quá cao, đã ngốn gần như hết quỹ lương của họ. Nếu phải thuê trọ và nuôi con nhỏ thì hầu như cuối tháng là hết tiền. Đợt dịch phong tỏa vừa rồi cũng đã chứng minh cho điều đó. Hai năm qua, chúng ta chưa tăng lương, người lao động vẫn phải gồng mình đối phó với bão giá, vậy làm sao có tích luỹ? Bây giờ, họ thất nghiệp, chỉ nghĩ đến số tiền BHXH trước mắt để tồn tại, chứ làm sao nghĩ xa được cho tương lai về già?
Một tin vui là đến tháng 7 này, lương tối thiểu sẽ được tăng thêm 6%, tức khoảng trên dưới 200.000 đồng một người. Tuy đó là cả một nỗ lực lớn của doanh nghiệp, nhưng thực tế cũng chỉ bù được tiền xăng xe hàng tháng cho người lao động mà thôi. Muốn thoát cảnh rút BHXH một lần, e còn là cả một câu chuyện dài, không dễ gì tìm được lời giải.
Ở đây, chúng ta vẫn phải phân biệt rõ giữa BHXH và bảo hiểm nhân thọ. Người nhà tôi mất sau gần 40 năm công tác, khi chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nên chỉ được lãnh 14 triệu đồng (năm 2004) - chỉ đủ tiền mai táng. Như vậy, số tiền còn lại sẽ được dùng để chi cho những người có tuổi thọ dài hơn. BHXH là để cân bằng nguồn thu, bảo đảm an sinh cho những người còn sống. Cũng giống như Bảo hiểm y tế, người không có bệnh thì số tiền họ đóng là để chi cho những người nhiều bệnh hoặc bị bệnh hiểm nghèo. Nếu chúng ta có được lưới an sinh tốt hơn sẽ bớt được nỗi lo lắng cho tuổi già.
Bản chất và ý nghĩa của BHXH là tốt, điều đó không cần phải bàn cãi. Có điều chỉ mong BHXH sẽ có tính toán hợp lý, để đảm bảo không quá thiệt thòi cho người lao động, giúp họ có thêm niềm tin để gắn bó lâu dài với quỹ bảo hiểm, chứ không phải chỉ loanh quanh câu chuyện giảm số năm đóng như hiện giờ.
Tại phiên họp lần hai hôm 12/4, Hội đồng tiền lương quốc gia thống nhất đề xuất từ ngày 1/7 lương tối thiểu tăng 6%, tức thêm 180.000-260.000 đồng so với hiện nay. Nếu được Chính phủ thông qua, lương tối thiểu vùng 1 sẽ là 4,68 triệu đồng; vùng 2 lên 4,16 triệu; vùng 3 đạt 3,64 triệu và vùng 4 là 3,25 triệu đồng. Nhiều Đại biểu Quốc hội đã ủng hộ quyết định này, nhằm bảo đảm đời sống của người lao động, đồng thời kích thích tiêu dùng.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.