Theo dõi những tranh cãi của mọi người xung quanh hai phương án rút BHXH vừa được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất, tôi thấy hầu hết những ý kiến được đưa ra đều dựa trên mong muốn của mỗi cá nhân. Thực tế, ai cũng muốn hưởng lương hưu sớm, đây cũng là một nhu cầu dễ hiểu.
Nhưng nhìn lại, bản chất của quỹ hưu trí (BHXH) thực ra cũng là tiền của người lao động tham gia đóng góp vào. Bản thân nó cũng sinh lãi, nhưng với yêu cầu về mức độ an toàn thì số lãi BHXH mang lại chỉ bằng hoặc cao hơn lãi ngân hàng một chút và chắc chắn không bù đủ cho lạm phát. Vậy, nếu ai cũng muốn hưởng sớm hơn (nghĩa là thời gian hưởng dài ra) thì tiền đâu để chi trả?
Tuổi thọ của người Việt ngày một tăng lên là một thực tế, nhưng số năm sống đau yếu cũng tăng lên. Ngày xưa ở quê tôi, cụ nào 70 tuổi, thậm chí 60 tuổi cũng sẽ được con cháu tổ chức lễ mừng thọ. Nhưng cỡ chục năm trở lại đây, không ai làm cỗ bàn mời khách khi gia đình có người 60 tuổi nữa. Thay vào đó, phải 80, 90 tuổi người ta mới làm lễ mừng thọ. Điều đó chứng tỏ tuổi thọ của người Việt thực sự đang tăng lên. Tuy nhiên, của một điều không vui là số năm điều trị bệnh lúc cuối đời của chúng ta lại dài hơn.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt ở mức cao, trên 73 tuổi, nhưng số năm khỏe mạnh chỉ được 64. Điều đó có nghĩa là càng ngày quỹ BHXH sẽ càng phải chi trả tiền hưu hơn cho người lao động. Thế nên, tăng tuổi hưu là điều không thể tránh khỏi để duy trì hoạt động của BHXH.
Nước nào có kinh tế càng phát triển, tốc độ già hóa dân số càng cao, thì lại càng phải tăng tuổi hưu lên nhiều. Đó là xu hướng tất yếu, bởi nếu không tăng như vậy thì quỹ hưu trí không có đủ tiền để chi trả. Do vậy, chúng ta thay vì chỉ mong muốn một cách vô thức cho bản thân mình thì cũng cần xem xét một cách đa chiều, khách quan, để làm thế nào cho hài hòa, cân bằng lợi ích cho các bên. Không thể đòi hỏi đóng ít mà lại muốn được hưởng nhiều.
>> Người Mỹ nói 'không' BHXH một lần thế nào?
Có một thực tế mà ít người nhận ra về BHXH đó là ví dụ bạn và công ty đang đóng BHXH 32% mức lương (trong đó quỹ hưu trí 22%, BHYT 4,5%, bảo hiểm thất nghiệp 2%, ốm đau - thai sản 3%, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp 0,5 %). Số tiền bạn rút là rút quỹ hưu trí, tử tuất. Còn BHYT, bạn có bị bệnh thì sẽ được hưởng, ốm đau thai sản cũng vậy (thai sản vợ hưởng bù vì trung bình một phụ nữ sinh hai con, hưởng 12 tháng lương, tương đương 1.200 % mức đóng), bạn thất nghiệp cũng sẽ hưởng bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động hay bệnh nghề nghiệp cũng vậy. Thế nên, BHXH không chỉ có rút một lần và hưởng hưu trí, tử tuất như nhiều người vẫn nghĩ.
Theo tôi, rút BHXH một lần về cơ bản sẽ có hại nhiều hơn. Chính vì vậy, các nước trên thế giới đều bắt buộc người lao động tham gia đóng BHXH và hạn chế tối đa việc cho rút một lần. Vấn đề ở đây là việc đóng và hưởng đã đảm bảo tính công bằng và bền vững chưa? Để xem xét khía cạnh này, chúng ta có thể tham chiếu với các nước có cùng điều hiện với nước ta, hoặc tham khảo kinh nghiệm từ các nước phát triển đi trước, xem mức đóng so với mức hưởng của họ là bao nhiêu, so với chúng ta thì thế nào? Đây là bài toán tài chính cho mỗi cá nhân nhưng cũng là của mỗi gia đình và xã hội. Nếu thực hiện sai thì hậu quả dù không đến liền nhưng sẽ tác động mạnh mẽ là lâu dài về sau.
Tóm lại, chẳng có Chính phủ nào lấy BHXH làm mục tiêu lợi nhuận (người tham gia lỗ) cả. Nước nào cũng đều phải trích thêm từ ngân sách để bù vào quỹ an sinh? Chúng ta ai cũng muốn hưởng nhiều, nhưng tiền ở đâu ra để hưởng thì chẳng ai nói, nó đâu có từ trên trời rơi xuống. Qua đây mới thấy truyền thông BHXH vẫn còn kém hiệu quả, nên đa số người dân vẫn còn chưa hiểu đầy đủ về quyền lợi cũng như lợi ích của BHXH, dẫn tới thực trạng rút BHXH một lần tăng cao như hiện nay.
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang lấy ý kiến đến cuối tháng 4, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án rút BHXH một lần. Một là giữ nguyên quy định hiện hành, tức không hạn chế rút; lao động tham gia dưới 20 năm BHXH và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. Hai là vẫn giải quyết cho lao động rút, nhưng không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để lao động hưởng chế độ khi đủ tuổi hưu.
Ngoài ra, Điều 71 dự thảo quy định lao động nếu hưởng BHXH một lần sau thời điểm luật này có hiệu lực (dự kiến 1/1/2025) thì phải đóng đủ 20 năm mới được hưởng lương hưu.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.