Bài toán hạn chế người lao động rút Bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần ở Việt Nam đến nay vẫn chưa có câu trả lời triệt để. Phương án lao động chỉ rút phần mình đóng vào quỹ BHXH, tức 8% (so với lương), còn phần của người sử dụng lao động đóng, chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia, đã được cơ quan BHXH một số địa phương nêu ra. Để góp thêm một ý kiến vào việc sửa đổi Luật BHXH, tôi xin chia sẻ câu chuyện an sinh xã hội tại Mỹ.
Tôi là một công dân Mỹ đang nghỉ hưu tại Việt Nam. Ở Mỹ, tất cả người lao động có thu nhập (kể cả người làm tự do, công chức, công nhân...) đều phải đóng Thuế thu nhập (Income Tax) và Thuế An sinh xã hội (Social Security Tax). Trong đó, Thuế An sinh xã hội cũng tính tương tự BHXH ở Việt Nam. Người lao động đóng 6,2% và Doanh nghiệp đóng 6,2%; tổng cộng là 12,4%. Tiền thuế An sinh xã hội sẽ nộp vào quỹ An sinh xã hội, dùng để trả lương hưu, người tàn tật, con cái dưới 18 tuổi của người lãnh lương hưu, trợ cấp cho người già không hoặc không đóng đủ số tín chỉ (số năm) để được nhận lương hưu.
Ở Mỹ, mỗi năm làm việc và có khai thuế sẽ được tính bốn tín chỉ. Làm đủ tối thiểu 40 tín chỉ, bạn sẽ có lương hưu (10 năm). Càng nhiều tín chỉ, lương hưu càng cao. Nhưng phải đến sớm nhất là 62 tuổi (hưu non) mới bắt đầu được nhận và chỉ nhận hàng tháng (không có trả một cục), không trả trước tuổi. Chỉ khi người lao động bị tàn tật (mất sức lao động) hoặc đủ tuổi nghỉ hưu (66 tuổi), mới được nhận lương hưu (lãnh hàng tháng). Tôi ủng hộ các làm này, bởi nếu cứ để cho người lao động ồ ạt rút một lần, mà không có cách nào để giữ gìn được quỹ An sinh xã hội, thì bao giờ người dân mới có an sinh xã hội?
Số tiền nhận được khi về hưu của người Mỹ tùy vào số tiền đóng và số năm đóng Thuế An sinh xã hội. Người bị thất nghiệp có thể xin trợ cấp thất nghiệp nếu đủ điều kiện (không chịu làm, bỏ việc... không được tính là thất nghiệp), chứ không liên quan tới đóng An sinh xã hội.
Người đến tuổi hưu mà không có đủ 40 tín chỉ thì sẽ không có lương hưu, nhưng được hưởng trợ cấp từ quỹ An sinh xã hội (hiện nay khoảng 750 USD một tháng), người Việt gọi là tiền dưỡng già. Người hưởng trợ cấp xã hội được xem là người nghèo, ngoài tiền trợ cấp họ còn được hưởng Medicaid (loại Bảo hiểm y tế này sẽ chi trả 100%) và có thể được phụ cấp nhà ở nếu đủ điều kiện. Nhờ vậy, khi về già hoặc không may bị bệnh tật mất sức lao động, người ta cũng không phải lo lắng nhiều về cơm áo gạo tiền nữa.
Ở Mỹ cũng không có chuyện giảm tuổi hưu theo mức lương. Tuổi hưu non là đủ 62 tuổi. Nếu về hưu non, bạn sẽ chỉ nhận được khoảng 75% lương hưu và chưa được nhận Medicare (Bảo hiểm y tế). Người Mỹ cũng quan niệm rất rõ ràng rằng đóng Thuế An sinh xã hội không phải là một hình thức đầu tư. Thu nhập bao nhiêu cũng phải đóng chứ không có đối tượng được miễn.
Trong khi đó, ở Việt Nam, tôi thấy ai cũng có thể rút BHXH sớm và rút một lần. Điều này sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập. Nếu muốn người dân không rút BHXH một lần nhằm bảo vệ quỹ An sinh xã hội, để nhà nước có thể lo cho người dân lúc về già hoặc ốm đau, bệnh tật, có lẽ Việt Nam cần phải xem xét lại chính sách BHXH hiện nay.
Tôi cho rằng, dù chúng ta có điều chỉnh mức lương hưu hay tuổi nghỉ hưu cũng không ngăn được người dân rút BHXH sớm. Chỉ có thể thay đổi điều kiện và cách trả BHXH mà thôi. Chúng ta có thể tính tới chuyện không cho người lao động rút BHXH một lần giống ở Mỹ. Hoặc cho rút sớm, nhưng chỉ được rút phần tiền mà người lao động đã đóng, chứ không được rút phần tiền mà công ty (chủ) đóng, số tiền này sẽ giữ lại cho quỹ BHXH.
Cuối cùng, quan trọng nhất, chúng ta phải từng bước thay đổi tư duy cho người đóng bảo hiểm. Chừng nào người lao động vẫn coi đóng BHXH như một hình thức đầu tư, mà đã là đầu tư thì phải có lợi, khi cái lợi đó không bằng lãi gửi ngân hàng hay các hình đầu tư thứ khác, thì tâm lý rút hết ra một lần chắc chắn sẽ luôn thường trực.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.