Cách đây 9-10 năm, nhân viên xã tới nhà mời cha mẹ tôi nhận "lương hưu" (trợ cấp xã hội cho người cao tuổi). Ban đầu, cha mẹ tôi lo lắm, không biết tiền ở đâu rơi xuống, dù cũng chỉ là vài chục ngàn đồng, nên kêu tôi tìm rõ ngọn nguồn. Sau khi biết được tiền đó từ quỹ BHXH mà người dân đóng góp, cha mẹ tôi thấy vui lắm, tháng nào cũng khoe được nhà nước cấp "lương hưu", dù cả đời không đóng BHXH đồng nào.
Thực ra, sau đó, cha mẹ tôi đều bù thêm cho tròn số tiền rồi đem đi ủng hộ người khác có hoàn cảnh khó khăn hơn. Cha tôi nói, chỉ cần niềm vui vậy là đủ; còn vật chất có thể gia đình tôi chưa giàu, nhưng không nghèo tới mức cần nhận số tiền trợ cấp kia. Là một người con, tôi rất biết ơn xã hội đã tặng bố mẹ tôi niềm vui hằng tháng này trong suốt nhiều năm qua.
Khi biết đến BHXH tự nguyện, tôi đã ở tuổi nghỉ hưu rồi, không tham gia được. Sau này, nếu có sống thọ như cha mẹ, tới 80 tuổi được nhận vài trăm ngàn đồng "lương hưu", tôi cũng sẽ rất vui và đem ủng hộ lại người khác như cha mẹ đã làm.
Một cụ già trên 80 tuổi, được nhận 300.000 đồng mỗi tháng, tức 3,6 triệu đồng mỗi năm. Nghe thì có vẻ không đáng là bao, nhưng cứ thử hình dung 100 nghìn cụ già như vậy, con số chi trả sẽ tương đương với 360 tỷ đồng mỗi năm - một con số khá lớn.
Xã tôi có vài em nhỏ bị khuyết tật, hàng tháng vẫn nhận hỗ trợ giống như cha mẹ tôi. Ngoài ra, có những người trong độ tuổi lao động nhưng bị tai biến, đột quỵ, cũng vẫn được nhận trợ cấp hàng tháng dù họ làm nông, không đóng BHXH bao giờ. Tính ra, số tiền BHXH chi trả cho người không đóng không hề nhỏ chút nào.
>> 'Đóng BHXH mức tối thiểu khác nào tiêu trước lương hưu'
Dạo gần đây, thấy ai cũng nói về rút BHXH một lần, tôi tự hỏi, nếu không có quỹ BHXH, liệu những gói an sinh cho người cao tuổi, người khuyết tật, người bị tai biến, tai nạn mất sức lao động như hiện nay có còn nữa không? Những người rút BHXH một lần, đến khi 80 tuổi, họ có được nhận trợ cấp nữa không?
Vậy nên, tôi nghĩ, không thể tính lỗ - lãi với BHXH được. Đối với những người đóng BHXH bắt buộc, khi bạn nghỉ một vài ngày do bệnh tật, bạn được nhận hỗ trợ với mức 75% ngày công cơ bản. Nghỉ thai sản cũng được nhận mức hỗ trợ riêng. Hãy thử tính, mỗi năm bạn đóng bao nhiêu tiền BHXH, và con số nhận lại trong suốt quá trình đóng thế nào?
Hãy tách riêng BHYT với quỹ hưu trí, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, thì chúng ta sẽ hiểu hơn câu chuyện ở đây. Ví dụ, bạn nghỉ năm ngày để chữa bệnh, BHYT sẽ thanh toán số phần trăm nhất định chi phí khám chữa, thuốc men theo quy định. Còn BHXH sẽ chi trả 75% lương ngày công của năm ngày đó. Tương tự, việc nhận trợ cấp thai sản cũng vậy.
Cho nên, cách tính lương trung bình cả quá trình đóng để tính lương hưu là cách tính đơn giản nhưng với nhiều người chưa thật sự công bằng. Bởi vì, nam giới đóng cũng như nữ giới, sao họ không được nhận trợ cấp thai sản? Những người độc thân không sinh con họ cũng đóng BHXH, sao họ không được nhận tiền thai sản? Những người hay bệnh, họ đã nhận hỗ trợ 75% ngày công đó, sao không bị trừ ra? Những người ít bệnh hơn thì sao?
>> 'Lương hưu không đủ sống vì đóng BHXH mức tối thiểu'
Tôi là nông dân, trồng rau, nuôi gà, cũng già rồi và chưa từng đóng BHXH. Nhưng tôi mong mọi người hiểu về quỹ BHXH là quỹ an sinh chung, ai trong tuổi lao động cũng đều phải đóng góp. Rõ ràng, nếu công bằng tuyệt đối, thì BHXH sẽ không còn là quỹ an sinh nữa. Tôi cũng mong quỹ này mạnh lên để hỗ trợ nhiều người khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn hơn nữa, thay vì chỉ vài trăm ngàn đồng một tháng như hiện nay. Nếu con số tăng lên thành một triệu đồng thì sẽ tốt biết mấy.
Muốn vậy, tôi mong các bạn vững vàng tài chính hãy xem đây là khoản đóng góp xã hội và sau này nhận lại một phần. Tôi cũng mong những người đang khó khăn hãy cố gắng hơn, và suy nghĩ thật kỹ trước khi rút BHXH một lần.
Nói về BHYT, cha mẹ tôi cũng được cấp thẻ BHYT miễn phí. Người già đi viện, tốn vài triệu đồng một lần là chuyện thường. Tôi rất cảm ơn những người đã và đang đóng BHYT để có quỹ hoạt động. Có lần cha tôi đi viện, phần BHYT thanh toán là 16,5 triệu đồng, tương đương với hơn 20 năm đóng BHYT tự nguyên (tính theo giá 800 ngàn đồng một năm hiện nay).
Rõ ràng, BHYT đã san sẻ người chưa bị bệnh đắp qua cho người đang bệnh là cha tôi. Nhiều người đóng BHYT suốt 15 năm mà không đi khám bệnh lần nào, cảm giác rất phí tiền. Nhưng bạn chỉ cần bệnh một trận là có thể tiêu hết sạch số tiền đã góp nhiều năm trước đó, thậm chí còn vượt cả con số đóng góp của mình. Chúng ta sống trong xã hội, ai cũng cần đóng một mức phí chung để xã hội hoạt động ổn định như vậy.
Chắc hẳn, đọc đến đây, nhiều người sẽ thắc mắc, một người không đóng BHXH như tôi, lấy tư cách gì để nói? Thực ra, tôi có cách đóng góp riêng cho xã hội, giống như cha tôi nói "khi người ta không muốn làm thì sẽ có cả vạn lý do, nhưng nếu đã muốn làm thì sẽ có cả triệu cách". Ví như trong xã tôi, các bé khuyết tật được nhà nước hỗ trợ rất ít, nhưng ngoài ra vẫn còn nhiều quỹ riêng của xã, của các hội, nhóm. Dù cộng tất cả lại vẫn chưa thể gọi là đủ cho các bé có một cuộc sống đủ đầy.
Nguy The An
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.