Trong quá trình kiểm soát đái tháo đường, bệnh nhân cần phải theo dõi mức đường huyết (lượng đường trong máu) hàng ngày. Hầu hết bệnh nhân đái tháo đường sẽ tự kiểm tra chỉ số này tại nhà bằng cách lấy máu ngón tay và đo với máy đo đường huyết. Một số khác sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục (CGM). Đây là thiết bị cảm biến được gắn dưới da, để kiểm tra lượng đường trong máu vài phút một lần. Những người sử dụng CGM vẫn cần dùng máy đo đường huyết hàng ngày để đảm bảo các chỉ số CGM đo được là chính xác.
Việc theo dõi lượng đường trong máu đóng vai trò quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường. Tùy loại bệnh và thuốc điều trị mà các bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân kiểm tra đường huyết ở những thời điểm khác nhau.
Theo dõi lượng đường trong máu giúp bệnh nhân đái tháo đường kiểm soát và duy trì mức đường huyết mục tiêu nhằm ngăn ngừa các biến chứng như bệnh tim mạch, bệnh thận và các vấn đề thị lực. Việc này cũng giúp bệnh nhân phát hiện các tác nhân có thể làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu, từ đó ngăn ngừa tình trạng đường huyết tăng quá cao hoặc giảm quá thấp.
Một số yếu tố như ăn quá nhiều, không vận động, thiếu insulin, bệnh, căng thẳng tinh thần, hành kinh, mất nước có thể làm tăng lượng đường trong máu. Ngược lại, ăn ít, uống rượu bia, dùng quá nhiều insulin, hoạt động thể chất nhiều hơn bình thường và tác dụng phụ của một số loại thuốc là những yếu tố khiến đường huyết giảm thấp.
Tần suất và thời điểm kiểm tra đường huyết
Bác sĩ sẽ khuyến nghị tần suất kiểm tra đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường dựa vào một số yếu tố, bao gồm loại đái tháo đường mắc phải và các thuốc đang sử dụng để kiểm soát tình trạng bệnh. Nhiều loại thuốc khác nhau có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu và ảnh hưởng đến tần suất đo đường huyết mà bác sĩ khuyến cáo cho bệnh nhân. Ví dụ như, nếu người bệnh dùng insulin hoặc các thuốc gây hạ đường huyết, bác sĩ sẽ đề nghị họ theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên hơn. Người bệnh đái tháo đường được kiểm soát tốt và không dùng insulin có thể không cần kiểm tra chỉ số đường huyết thường xuyên trong ngày.
Bệnh đái tháo đường típ 1
Người mắc đái tháo đường típ 1 cần kiểm tra lượng đường trong máu khoảng 4-10 lần mỗi ngày, tập trung vào thời điểm gần các bữa ăn. Bác sĩ thường khuyến khích bệnh nhân đo đường huyết trước bữa ăn sáng, trưa và tối, đồng thời kiểm tra lại 2-3 giờ sau khi ăn. Bệnh nhân cũng được khuyến nghị nên kiểm tra lượng đường trong máu trước và sau khi tập thể dục, trước khi đi ngủ hoặc đôi khi giữa đêm. Người bị bệnh nặng, thay đổi thói quen hàng ngày hoặc bắt đầu điều trị bằng một loại thuốc mới có thể cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn.
Bệnh đái tháo đường típ 2
Bệnh nhân mắc đái tháo đường típ 2 đang dùng insulin để kiểm soát bệnh cần kiểm tra chỉ số đường huyết nhiều lần trong ngày. Tùy loại và nồng độ insulin sử dụng mà bác sĩ sẽ đưa ra những khuyến nghị về tần suất và thời điểm kiểm tra đường huyết. Bệnh nhân cần đo lượng đường trong máu ít nhất bốn lần một ngày vào các khoảng thời gian sau: khi vừa thức dậy, trước bữa ăn, hai giờ sau bữa ăn, trước khi đi ngủ.
Cách đo lượng đường trong máu
Để kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết, bệnh nhân trước tiên cần rửa sạch và lau khô tay để tránh thức ăn hoặc các chất khác làm sai lệch kết quả. Người bệnh đưa một que thử vào máy đo, tiến hành lấy máu đầu ngón tay và đưa vào mép que. Máy đo sẽ hiển thị mức đường huyết trên màn hình sau vài giây.
Bệnh nhân sử dụng máy theo dõi đường huyết liên tục được đặt bộ cảm biến dưới phần da ở bụng hoặc cánh tay. Hầu hết các thiết bị CGM kiểm tra mức đường huyết năm phút một lần và sẽ truyền tín hiệu đến điện thoại di động hoặc máy bơm insulin tự động. Bác sĩ có thể theo dõi các chỉ số này để điều chỉnh phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Bệnh nhân đái tháo đường cần thay các cảm biến trên CGM khoảng 1-2 tuần một lần và cần kiểm tra lại đường huyết hàng ngày bằng máy đo đường huyết để đảm bảo kết qủa CGM chính xác.
Phương Quỳnh (Theo Verywellhealth, Mayo Clinic)