Bệnh tiểu đường ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lượng đường (glucose) trong máu. Nếu lượng đường trong máu (đường huyết) không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên theo dõi đường huyết và cố gắng giữ ổn định trong mức khuyến nghị. Chỉ số đường huyết có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tuổi tác, sức khỏe tổng thể và mục tiêu quản lý bệnh tiểu đường. Dưới đây là các chỉ số đường huyết và xét nghiệm máu HbA1c (A1c) tiêu chuẩn.
Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị đường huyết cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 2 là 80-130 mg/dL trước khi ăn và dưới 180 mg/dL sau bữa ăn. Chỉ số đường huyết được khuyến nghị cho người dưới 18 tuổi mắc bệnh tiểu đường type 1 là 90-130 mg/dL trước khi ăn và 90-150 mg/dL khi đi ngủ.
Đường huyết của phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường type 1 là dưới 95 mg/dL trước khi ăn, 140 mg/dL trở xuống sau bữa ăn một giờ và 120 mg/dL trở xuống sau bữa ăn hai giờ. Lượng đường trong máu được khuyến nghị cho phụ nữ bị bệnh tiểu đường thai kỳ là dưới 95 mg/dL trước khi ăn, 140 mg/dL trở xuống sau ăn một giờ và 120 mg/dL trở xuống hai giờ sau ăn.
Với những người không mắc bệnh tiểu đường, phạm vi đường huyết tiêu chuẩn là như nhau bất kể tuổi tác, tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đặt ra các mục tiêu khác nhau dựa trên các trường hợp cụ thể, ví dụ như có một số yếu tố nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Đường huyết được khuyến nghị trước khi ăn là 99 mg/dL hoặc thấp hơn 140 mg/dL trở xuống sau bữa ăn 1-2 giờ.
Ngoài chỉ số đường huyết, xét nghiệm máu A1C (đo lượng đường trong máu trung bình trong ba tháng) cũng được dùng để đánh giá tình trạng bệnh. Kết quả A1C dưới 5,7% là bình thường, từ 5,7% đến 6,5% là tiền tiểu đường, còn tiểu đường là hơn 6,5%. Người bệnh mắc bất kỳ loại bệnh tiểu đường nào nên giữ mức A1C dưới 7%. Tuy nhiên, các tình trạng sức khỏe khác và mục tiêu có thể thay đổi, người bệnh nên hỏi bác sĩ để được tư vấn.
Cách xử trí khi tăng, giảm đường huyết
Theo dõi lượng đường trong máu là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quản lý bệnh tiểu đường. Nhờ đó, người bệnh có thể biết được các yếu tố khiến nó tăng hoặc giảm và giúp bác sĩ có mục tiêu điều trị phù hợp.
Cách giảm lượng đường trong máu
Lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết) có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khát nước và thậm chí mắt mờ. Nhiều yếu tố có thể khiến lượng đường trong máu tăng đột biến như căng thẳng, bệnh, dùng quá ít insulin, ăn nhiều bữa hoặc ăn nhiều carbohydrate hơn bình thường, ít hoạt động thể chất. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như tổn thương thần kinh, tổn thương thận, biến chứng mắt.
Tiêm insulin: Nếu lượng đường trong máu cao hơn khuyến nghị, người có thể làm giảm bằng cách dùng insulin tác dụng nhanh theo hướng dẫn của bác sĩ. Người bệnh nên kiểm tra lượng đường trong máu trong 15-30 phút sau khi tiêm insulin để đảm bảo rằng đường huyết giảm xuống nhưng không ở mức quá thấp.
Tập thể dục: Một cách khác để giảm đường huyết là tập thể dục. Khi hoạt động thể chất, cơ thể sẽ sử dụng hết lượng glucose dư thừa trong máu. Tuy nhiên, nếu bạn bị tăng đường huyết nghiêm trọng thì nên tránh tập thể dục vì có thể làm tăng tốc độ nhiễm toan ceton - một tình trạng nguy hiểm.
Cách tăng lượng đường trong máu
Nếu lượng đường trong máu dưới 70 mg/dL thì bạn đang bị hạ đường huyết. Khi đường huyết xuống quá thấp, bạn có thể cảm thấy chóng mặt, choáng váng, đói bụng, dễ cáu bẳn, mệt mỏi, không thể tập trung, lú lẫn, khó nói... Lượng đường trong máu ở mức thấp trong một thời gian dài có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như hôn mê, co giật.
Lượng đường trong máu thấp thường gặp ở người bệnh tiểu đường type 1. Người bệnh có thể cải thiện bằng cách sử dụng quy tắc 15-15, tức là dùng 15 g carbohydrate và đợi 15 phút, kiểm tra lượng đường trong máu sau 15 phút. Nếu lượng đường trong máu tăng trên 70 mg/dL, bạn có thể ngừng dùng. Trường hợp lượng đường trong máu vẫn dưới 70 mg/dL thì bạn dùng thêm 15 g carbohydrate và đợi thêm 15 phút. Lặp lại các bước này cho đến khi đường huyết trở lại bình thường. 15 g carbohydrate có thể là một trong các loại như 4 viên glucose, nửa cốc nước trái cây, soda thông thường, một thìa mật ong.
Bạn cũng nên ghi chú lại các triệu chứng gặp phải trong giai đoạn đường huyết thấp và thời gian phục hồi để nhờ bác sĩ tư vấn.
Kim Uyên
(Theo Verywell Health)