Theo tờ Medical News Today (Mỹ), hạ đường huyết là tình trạng glucose trong máu không đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể, thấp hơn 70 mg/dl. Hạ đường huyết do tập thể dục khi lượng đường trong máu thấp trong hoặc sau khi tập thể dục.
Trong quá trình tập thể dục, cơ thể cần nhiều năng lượng do đó sử dụng nhiều glucose hơn. Sự gia tăng nhu cầu glucose này gây ra hạ đường huyết do tập thể dục. Cụ thể, cơ thể chuyển hóa carbohydrate thành glucose, sau đó, glucose đi vào máu và tuyến tụy phản ứng bằng cách sản xuất insulin. Insulin giúp glucose đi vào các tế bào, sử dụng nó làm nhiên liệu. Tập thể dục khiến các cơ hoạt động cần thêm nhiên liệu, làm tăng nhu cầu về glucose. Tập thể dục cũng làm cơ thể nhạy cảm hơn với insulin, có nghĩa insulin hoạt động hiệu quả hơn và làm giảm lượng đường trong máu nhanh hơn. Kết hợp với nhau, các yếu tố này gây ra hạ đường huyết khi tập thể dục.
Một số triệu chứng khi bị hạ đường huyết do tập thể dục như: người yếu, run rẩy, chóng mặt, hoang mang, lo lắng, ngất xỉu. Các triệu chứng vẫn tồn tại dù đã nghỉ ngơi hoặc tiêu thụ thêm thức ăn. Hạ đường huyết có thể đe dọa tính mạng nếu mức đường huyết giảm quá thấp. Thông tin từ Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, hạ đường huyết kéo dài hoặc nghiêm trọng (mức quá thấp) có thể dẫn đến co giật, mất ý thức, hôn mê và tử vong. Nếu gặp phải một trong các triệu chứng trên, người tập cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
Hạ đường huyết có thể xảy ra ở người đã có mức đường huyết thấp hoặc người có cơ thể chuyển hóa đường nhanh chóng. Theo Viện Quốc gia về Bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận Mỹ, có nhiều yếu tố góp phần gây ra hạ đường huyết do tập thể dục như: người sử dụng insulin hoặc các thuốc tiểu đường khác, ăn không đủ hoặc nhịn ăn, không tiêu thụ đủ carbohydrate. Tập thể dục ngay sau bữa ăn, tập luyện cường độ cao, bị ốm hoặc uống quá nhiều rượu mà không có thức ăn cũng góp phần gây ra hạ đường huyết khi tập thể dục.
Ngoài ra, ở một số người, tập thể dục kích hoạt lượng insulin tăng đột biến giúp loại bỏ glucose khỏi máu. Sự tăng đột biến này gây hạ đường huyết đột ngột, ngay cả khi một người có sức khỏe tốt và không dùng thuốc hạ đường huyết.
Hạ đường huyết do tập thể dục nhiều khi không phải là dấu hiệu của bệnh tiểu đường, tuy nhiên, người bệnh tiểu đường sẽ có nhiều nguy cơ hạ đường huyết hơn khi tập thể dục. Người bệnh tiểu đường cũng có thể bị hạ đường huyết nếu dùng thuốc điều trị bệnh khi nhịn ăn hoặc bắt đầu một chế độ ăn kiêng hạn chế.
Điều trị và phòng ngừa
Hạ đường huyết do tập thể dục nhẹ thường không cần điều trị. Nếu bị mạn tính, có thể dùng thuốc diazoxide theo chỉ định của bác sĩ để điều trị lượng đường trong máu thấp. Một số ca hiếm, cần cắt bỏ một phần tuyến tụy để làm chậm quá trình sản xuất insulin. Trong nhiều trường hợp, tình trạng này xảy ra do không ăn đủ trước khi tập luyện. Để tránh hạ đường huyết do tập thể dục, bạn nên ăn đủ carbohydrate trước 1-2 giờ tập luyện.
Hiệp Đái tháo đường Mỹ (ADA) khuyến cáo, người bệnh tiểu đường có dùng thuốc kiểm soát đường huyết nên kiểm tra lượng đường trong máu trước khi tập thể dục. Nếu dưới 100 mg/dl, nên tiêu thụ 15-20 gram carbohydrate để tăng lượng đường trong máu. Kiểm tra lại sau 15 phút, nếu vẫn dưới 100 mg/dl thì ăn thêm 15 gram carbohydrate, lặp lại cho đến khi đường huyết ít nhất là 100 mg/dl, thì mới tập luyện. Một số lựa chọn đủ 15-20 gram carbohydrate: 4 viên glucose, 1 ống gel glucose, 1 thìa mật ong hoặc đường, 118 ml soda hoặc nước trái cây. Người bệnh tiểu đường nên tập luyện cách quãng cường độ cao để giảm nguy cơ hạ đường huyết.
Người không mắc bệnh tiểu đường có thể ngăn ngừa hạ đường huyết do tập thể dục bằng cách: xây dựng dần thói quen tập thể dục để cơ thể có thời gian thích nghi, ăn đủ các bữa ăn trong ngày, tránh uống rượu trước khi tập luyện. Nếu cảm thấy run hoặc chóng mặt trong khi tập luyện nên dừng lại và nghỉ ngơi. Có thể uống nước trái cây (khoảng 113 gram) hoặc ăn một miếng bánh mì nướng, sau đó tiếp tục tập luyện.
Nên hỏi bác sĩ nếu thường xuyên bị hạ đường huyết do tập thể dục hoặc hạ đường huyết vào những thời điểm khác. Nếu là người bệnh tiểu đường, đây có thể là dấu hiệu dùng liều lượng thuốc điều trị tiểu đường không chính xác hoặc đang sử dụng quá nhiều insulin.
Mai Cát
(Theo Medical News Today)