Theo tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức - Trưởng khoa Nội Thần Kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, phụ nữ ở tuổi tiền mãn kinh là đối tượng dễ bị mất ngủ, khó ngủ. Sự thay đổi nội tiết khi đến chu kỳ kinh nguyệt, mang thai hoặc sắp mãn kinh... có ảnh hưởng đến giấc ngủ của phụ nữ, gây mệt mỏi, bất an, giấc ngủ kém chất lượng.
Các vấn đề thường gặp khi thiếu ngủ
Da khô, viêm
Thông tin từ tạp chí Glamour (Anh) cho thấy, thiếu ngủ làm tăng nồng độ cortisol (hormone gây căng thẳng) trong cơ thể, khiến làn da dễ bị viêm nhiễm, khô sạm, nhợt nhạt, bọng mắt. Mất ngủ còn làm giảm collagen ở da. Sự suy thoái của collagen làm nhanh xuất hiện nếp nhăn, da chảy xệ và các dấu hiệu lão hóa khác.
Theo Trung tâm Giấc ngủ và Thần kinh của Mỹ, thiếu ngủ có thể kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, kích hoạt trục hạ đồi - tuyến yên - thượng thận làm tăng tiết glucocorticoid gây suy giảm chức năng bảo vệ da. Thiếu ngủ làm tăng mức cortisol và tình trạng viêm nhiễm trong cơ thể dẫn đến tăng sắc tố, khiến da thâm sạm, kích ứng, dễ nổi mụn trứng cá đỏ, lão hóa sớm.
Cortisol phá vỡ các protein giữ cho làn da của chị em mịn màng và rạng rỡ. Điều này làm mất đi oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng của da, khiến da trông xỉn màu và có vết thâm. Ngủ kém còn làm tăng tốc độ lão hóa, kích thước lỗ chân lông; tông màu và độ sáng của da giảm đi đáng kể.
Lão hóa da
Nghiên cứu đăng tải trên trang thông tin của Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ trên 60 phụ nữ tiền mãn kinh 30-49 tuổi cho thấy, những người ngủ kém có các dấu hiệu lão hóa da gia tăng bao gồm nếp nhăn, sắc tố không đồng đều, da chùng nhão và giảm độ đàn hồi. Tốc độ da phục hồi sau cháy nắng ở nhóm người ngủ kém cũng chậm chạp hơn, với các ban đỏ (mẩn đỏ) sau hơn 72 giờ. Người ngủ ngon có khả năng phục hồi da cao hơn 30% so với người ngủ kém chất lượng.
Quầng thâm, sưng mắt
Thiếu ngủ còn khiến đôi mắt sưng húp và quầng thâm. Sự cân bằng nước xảy ra trong khi ngủ nên thiếu ngủ có thể dẫn đến khô đôi mắt, sưng húp và thậm chí có thể hơi phồng lên để giữ nước. Quầng thâm do sự giãn nở của các mạch máu ở vùng dưới mắt, có thể dẫn đến màu da sâu hơn.
Rụng tóc
Cortisol do căng thẳng gây ra tình trạng viêm toàn bộ cơ thể, bao gồm cả các nang tóc, nơi diễn ra tất cả quá trình sản xuất keratin. Thiếu ngủ dẫn đến giảm lưu lượng máu, có thể ảnh hưởng đến các nang tóc vì tóc nhận các chất dinh dưỡng từ máu.
Cách cải thiện chất lượng giấc ngủ
Bác sĩ Minh Đức chia sẻ thêm, ngủ ít ảnh hưởng đến mọi người nói chung và phụ nữ nói riêng ở nhiều khía cạnh. Về lâu dài, nó có thể làm giảm chất lượng cuộc sống vì liên quan đến các vấn đề tâm thần kinh, rối loạn lo âu, căng thẳng, trầm cảm, thiếu tập trung và các vấn đề giao tiếp, sự tự tin.
Để cải thiện giấc ngủ, phụ nữ nên tập thói quen đi ngủ trước 15-30 phút so với giờ ngủ bình thường để khắc phục thói quen ngủ muộn. Thời lượng ngủ khoảng 7-9 tiếng mỗi ngày giúp cơ thể và làn da có đủ thời gian nghỉ ngơi và tái tạo.
Chị em cần tránh xa các thiết bị điện tử (tránh tiếp xúc với ánh sáng xanh) và thay vào đó hãy đọc sách, tập yoga, thiền... ; tránh sử dụng cà phê, trà hay các chất kích thích, nhất là vào buổi tối. Chế độ ăn lành mạnh, tăng cường nhóm thực phẩm giàu axit béo omega-3, magie, canxi, vitamin B, C, D... (có nhiều trong cá hồi, quả óc chó, trứng, tôm, sữa, quả bơ, bông cải xanh, cam...) cũng đem lại nhiều lợi ích cho giấc ngủ.
Tập luyện thể dục thể thao 30 phút mỗi ngày với những bài tập phù hợp với sức khỏe như đi bộ, đạp xe, yoga... giúp nâng cao sức khỏe, giảm căng thẳng, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
"Chị em bị mất ngủ thường xuyên, nhất là ở giai đoạn tiền mãn kinh, mãn kinh nên đến bệnh viện thăm khám, làm xét nghiệm nội tiết, khám nội thần kinh, phụ khoa... để được chẩn đoán và điều trị sớm tình trạng rối loạn giấc ngủ. Từ đó, chất lượng sống và vẻ ngoài cũng được cải thiện", bác sĩ Minh Đức cho biết.
Bình Minh