Giấc ngủ có hai chu kỳ là giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (không REM) và giấc ngủ chuyển động mắt nhanh (REM). Trong đêm, các chu kỳ này sẽ diễn ra nhiều lần. REM chiếm khoảng 20-25% tổng thời lượng ngủ. Chứng rối loạn hành vi giấc ngủ REM là các hành vi bất thường (cười nói, la hét, cử động tay chân, đấm, đá, ngồi dậy trên giường hoặc nhảy ra khỏi giường..) trong giai đoạn này.
Trong rối loạn hành vi giấc ngủ, các cơ không bị tê liệt tạm thời như bình thường, điều này cho phép cơ thể phản ứng với những giấc mơ. Mắt bạn di chuyển qua lại rất nhanh; trong khi nhịp thở thường không đều, sóng não, nhịp tim và huyết áp tương tự như khi bạn thức. Nó có thể bắt đầu bằng những cử động nhỏ, chẳng hạn cười, nói và tiến dần đến những chuyển động lớn hơn như nhảy, đá. Các rối loạn có thể xảy ra một lần hoặc nhiều lần trong đêm, vài lần trong tuần tùy tình trạng mỗi người. Biểu hiện của các triệu chứng thường nặng dần theo thời gian.
Rối loạn hành vi giấc ngủ REM có thể xảy ra trong khoảng 90 phút sau khi ngủ. Mọi người thường không nhận thức được những hành vi này trong lúc ngủ. Những hành động này có thể gây hại cho bạn và người ngủ cùng. Bên cạnh các biến chứng về thần kinh, rối loạn hành vi giấc ngủ khiến bản thân người mắc bệnh bị tổn thương cơ thể do những hành động không kiểm soát khi ngủ. Rối loạn hành vi giấc ngủ còn liên quan đến các rối loạn khác bao gồm chứng sa sút trí tuệ thể Lewy, bệnh Parkinson, chứng ngủ rũ, ngưng thở khi ngủ....
Theo Tổ chức nghiên cứu về giấc ngủ của Mỹ (National Sleep Foundation), rối loạn hành vi giấc ngủ chủ yếu ảnh hưởng đến nam giới và người trên 50 tuổi. Một số dữ liệu cũng cho thấy, nó xảy ra ở cả phụ nữ với tần suất tương tự. Trẻ sơ sinh và trẻ em là đối tượng phổ biến của chứng rối loạn này, tuy nhiên, chúng vì còn quá nhỏ nên các nhà nghiên cứu chưa thể kết luận rõ ràng.
Trong một số trường hợp rất hiếm, có những loại co giật có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh gây ra các cơn cười khúc khích không kiểm soát được khi đang ngủ. Đây là những cơn co giật ngắn, kéo dài khoảng 10-20 giây, có thể bắt đầu ở trẻ sơ sinh khoảng 10 tháng tuổi.
Cách cải thiện rối loạn hành vi giấc ngủ
Nếu có các dấu hiệu rối loạn khi ngủ, bạn nên liên hệ bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và theo dõi. Chứng rối loạn này có thể được điều trị bằng thuốc nhưng cũng có một số cách để hạn chế tình trạng này.
Hạn chế các chất kích hoạt rối loạn giấc ngủ: uống rượu hoặc một số thuốc kê đơn có thể góp phần gây ra tình trạng này. Thay đổi lối sống để giảm uống rượu hoặc dùng thuốc sử dụng chúng là một phần trong quá trình điều trị. Ngủ đúng giờ, đủ giấc cũng giúp nâng cao chất lượng giấc ngủ.
Dùng thuốc: bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc hoặc một loại thực phẩm chức năng để giúp giảm các triệu chứng.
Các chấn thương liên quan đến giấc ngủ có thể bao gồm bầm tím, trầy xước, gãy xương, chấn thương thẳng và chấn thương đầu... Ngoài ra, bạn cùng giường có thể bị ảnh hưởng khi nằm cạnh người có các hành vi rối loạn giấc ngủ. Một số khuyến nghị để phòng ngừa thương tích bao gồm sắp xếp phòng gọn gàng, không để vật sắc nhọn, dễ vỡ trong phòng, bọc đệm các cạnh của đồ vật... Với bạn cùng phòng, họ có thể ngủ trên giường riêng hoặc phòng riêng cho đến khi các triệu chứng của người bệnh được điều trị tốt.
Trẻ sơ sinh và trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn. Trẻ sơ sinh cần khoảng 16-24 giờ để ngủ. Khoảng 50% giấc ngủ dành cho giai đoạn REM. Người lớn cần ngủ 7-8 tiếng mỗi ngày. Nếu bạn ngủ đủ 8 tiếng nhưng trằn trọc cả đêm có thể không ngủ đủ sâu. Không thể bắt bộ não của bạn đi vào giấc ngủ sâu, nhưng có một số cách để bạn cải thiện chất lượng giấc ngủ như giảm căng thẳng, phòng ngủ mát mẻ, tránh tiếng ồn, ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên...
Huỳnh Long
(Theo Healthline)