Người tập thở theo phương pháp 4-7-8 dễ trở về trạng thái thư giãn sâu, giải tỏa căng thẳng và giảm lo lắng bởi những nhịp thở có kiểm soát. Bạn thở theo nhịp đếm, khi hít vào đếm đến 4, nín thở đếm thêm đến 7 và thở ra ở nhịp số 8. Người tập sẽ thúc đẩy hoạt động của hệ thống thần kinh phó giao cảm, thông qua sử dụng kỹ thuật thở 4-7-8, giúp thư giãn sâu, dễ ngon giấc hơn. Khi cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng trước khi đi ngủ, bạn cũng có thể tập thở theo cách này làm dịu cảm xúc.
Tiến sĩ Andrew Weil (công tác tại Tổ chức Weil Lifestyle, Mỹ), người đưa ra phương pháp thở 4-7-8 chia sẻ trên Very Well Mind, thực hành đều đặn bài tập này giúp phục hồi nhịp thở tự nhiên. Tiến sĩ Weil cũng khuyến nghị người tập cố gắng thở chậm, đều với lượt thở ra dài hơn lượt hít vào để sớm nhận thấy hiệu quả. Phương pháp thở 4-7-8 được các chuyên gia y tế đánh giá là một trong những kỹ thuật thở có thể thực hành dễ dàng. Dưới đây là 6 bước của phương pháp này.
Bước 1: Bạn tìm chỗ ngồi thoải mái, yên tĩnh.
Bước 2: Bạn chạm lưỡi vào mặt sau các răng hàm trên.
Bước 3: Thở ra bằng đường miệng đang mở, cảm nhận không khí được đẩy ra quanh lưỡi.
Bước 4: Bạn đóng miệng rồi hít vào từ từ bằng mũi, đếm đến 4.
Bước 5: Bạn giữ không khí, nín thở, tiếp tục đếm đến 7.
Bước 6: Bạn thở mạnh ra bằng miệng và tiếp tục đếm đến 8, cảm nhận toàn bộ không khí được đẩy ra ngoài.
Tiến sĩ Andrew Weil khuyến nghị, thực hành kỹ thuật này ít nhất 2 lần mỗi ngày sẽ nhận thấy kết quả và có thể tăng lên tối đa 8 chu kỳ khi đã quen. Bạn cũng có thể thực hành thở 4-7-8 khi cần thư giãn trong giờ làm việc, trước buổi phát biểu hoặc thuyết trình trước đám đông, đang ôn thi hay khi vừa thức dậy.
Thời gian đầu, người tập có thể chưa quen với cách thở khi đang cố gắng kiểm soát nhịp đếm và có thể cảm thấy khó chịu. Bạn cố gắng vượt qua, thực hành thường xuyên sẽ dần quen. Một số mẹo tập thở 4-7-8 có thể áp dụng như tập trung sự chú ý vào hơi thở thay vì bị phân tâm vào những suy nghĩ khác khi luyện tập. Người tập cũng nên chọn tư thế ngồi thoải mái giữa không gian yên tĩnh.
Các nghiên cứu cho biết, kỹ thuật thở 4-7-8 được mô tả ở trên có thể giảm căng thẳng, lo lắng và trầm cảm, cải thiện sự tập trung trong công việc và giúp ngon giấc. Phương pháp có thể dễ dàng được thực hành mọi lúc, mọi nơi. Người mắc các bệnh lý mạn tính nên tham khảo và tìm sự trợ giúp từ các chuyên gia y tế để điều trị chuyên sâu.
Mai Trinh
(Theo Very Well Mind)