Trả lời:
Cà phê là chất kích thích hệ thần kinh trung ương, tăng cường sự tỉnh táo, trí nhớ, tập trung và hiệu suất thể chất... Nếu không pha trộn với đường, sữa, đồ uống này có hàm lượng calo thấp, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng như polyphenol (chất chống oxy hóa), vitamin B2, B3, B5, mangan, kali, magie. Do đó, khi tiêu thụ ở mức vừa phải, cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Với người bệnh viêm khớp, cà phê có cả ưu và nhược điểm, tùy vào loại viêm khớp mắc phải, loại cà phê uống, lượng uống mỗi ngày.
Bệnh gout
Nghiên cứu tổng hợp năm 2016 tại Hàn Quốc trên hơn 175.000 người cho thấy tiêu thụ từ một cốc trở lên mỗi ngày có thể giảm nồng độ axit uric. Nồng độ axit uric trong máu tăng cao, hình thành các tinh thể muối urat lắng đọng tại các khớp là nguyên nhân gây ra các đợt gout cấp. Nghiên cứu ghi nhận tác dụng tích cực với người bệnh gout ở cả cà phê chứa caffeine lẫn cà phê đã khử caffeine.
Viêm khớp dạng thấp
Cà phê chứa chất chống oxy hóa và các hoạt chất khác giúp bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi tình trạng viêm và tổn thương mô do các gốc tự do gây ra. Các gốc tự do đóng vai trò chính trong sự phát triển của nhiều bệnh viêm nhiễm, bao gồm cả viêm khớp dạng thấp.
Về lý thuyết, uống nhiều cà phê có thể ngăn ngừa phần nào bệnh viêm khớp dạng thấp hoặc làm giảm các triệu chứng viêm khớp đã có từ trước như đau khớp. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu trên thực tế vẫn chưa rõ ràng.
Một số nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ gia tăng nào giữa cà phê chứa caffeine hoặc không chứa caffeine với nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp. Nghiên cứu đăng trên Tạp chí Thấp khớp lâm sàng năm 2019, với 76.850 phụ nữ tham gia, lại phát hiện ra nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn nếu uống cà phê không chứa caffeine so với cà phê chứa caffeine.
Một nghiên cứu khác năm 2020 tại Anh cho thấy tiêu thụ cà phê có thể làm tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm khớp dạng thấp vì liên quan đến kháng thể được hình thành để ứng phó với bệnh.
Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là dạng viêm xương khớp xảy ra do sự hao mòn dần dần của sụn khớp. Lão hóa là yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của thoái hoá khớp.
Lượng caffeine tiêu thụ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của sụn và xương, có thể làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp. Một nghiên cứu tại Tây Ban Nha được công bố vào năm 2020 khuyến nghị tránh hoặc hạn chế uống caffeine để ngăn ngừa thoái hoá khớp.
Anh không nói rõ mình mắc loại viêm khớp nào. Nếu thường xuyên đau khớp, đau kéo dài và ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sinh hoạt, vận động, anh nên sớm đi khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác nguyên nhân, điều trị kịp thời.
Các chuyên gia sức khỏe cho rằng lượng caffeine an toàn hàng ngày là khoảng 400 mg, hay khoảng 4 tách cà phê 200 ml. Khi đó, caffeine giúp tăng cường trao đổi chất, hỗ trợ giảm cân, tăng tỉnh táo, giảm mệt mỏi, hỗ trợ hoạt động thể chất trong quá trình tập luyện, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Uống quá nhiều cà phê, lượng caffeine trên 400 miligam mỗi ngày, có thể gây ra tác động tiêu cực như tăng nhịp tim, cảm giác bồn chồn, đau đầu, mệt mỏi, kém tập trung, khó ngủ, vấn đề về tiêu hóa. Caffeine cũng hoạt động như chất lợi tiểu nhẹ, kích thích bài tiết muối và nước qua nước tiểu, có thể dẫn đến mất nước nhẹ. Thêm kem, đường hoặc chất làm ngọt khác vào cà phê làm tăng nguy cơ với sức khỏe. Ví dụ, lượng calo và đường bổ sung có thể gây thừa cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
ThS.BS.CKI Đinh Phạm Thị Thúy Vân
Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh cơ xương khớp tại đây để bác sĩ giải đáp |