Theo một khảo sát việc lái xe tuân thủ quy định phân làn thí điểm đường Nguyễn Trãi, Hà Nội trong những ngày vừa qua, bằng máy quay cố định tại các điểm đặt dải phân cách cứng, người ta đếm được có ít nhất 142 phương tiện đi sai làn chỉ trong một phút vào giờ cao điểm buổi sáng. Tình trạng tương tự cũng diễn ra vào khung giờ cao điểm buổi chiều. Chỉ cần vắng bóng lực lượng CSGT, thanh tra giao thông, hàng nghìn phương tiện sẵn sàng không đi theo biển báo phân làn. Một số thời điểm, lượng phương tiện đi sai làn còn nhiều hơn phương tiện đi đúng làn.
Còn tại khu vực Ngã Tư Sở gần đó (đoạn giao cắt giữa đường Nguyễn Trãi – Trường Chinh), tình trạng đi ẩu bất chấp luật lệ còn diễn ra ngang nhiên và liều lĩnh hơn. Tại đây đã hình thành hai điểm người đi xe máy thường xuyên phóng ngược chiều đường. Điểm thứ nhất là theo hướng đường Láng đi Trường Chinh. Tại điểm này, thay vì phải xếp hàng chờ đèn đỏ để qua nút giao, nhiều người lại rẽ phải theo hướng Nguyễn Trãi rồi đi ngược chiều khoảng 50 mét để dừng chờ trước đèn đỏ.
Điểm thứ hai còn tệ hơn, đó là hướng từ đường Nguyễn Trãi đi Láng. Thay vì phải đi vòng khoảng 700 mét vào đường Trường Chinh để đến điểm quay đầu, nhiều người chọn cách đi ngược chiều cắt mặt dòng xe đông đúc để qua nút giao Ngã Tư Sở cho nhanh.
Đáng nói ở đây, khu vực này luôn có sự xuất hiện của lực lượng CSGT cũng như thanh tra giao thông phối hợp điều tiết xe cộ những giờ cao điểm. Thế nhưng, cả trăm xe máy đi ngược chiều vẫn ngang nhiên vi phạm luật trước mặt lực lượng chức năng. Kể cả khi CSGT có đứng chặn ở đầu này thì người vi phạm vẫn tìm cách luồn lách ở đầu khác. Việc xử lý phạm ở đây là gần như không thể vì cứ một người bị giữ lại xử phạt thì hàng trăm người khác lại tranh thủ ùa lên.
Đó là thực trạng ý thức tham gia giao thông cực kỳ tệ hại của người đi xe máy ở giữa thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại của chúng ta. Thời gian qua, người ta bàn nhiều đến câu chuyện gỡ rối cho giao thông của thành phố. Có người nói phải tăng xử phạt để răn đe vào giáo dục lại ý thức lái xe cho người dân. Nhưng nói thật, khi mà số người đi xe máy bất tuân luật pháp nhiều gấp cả chục, cả trăm lần lực lượng chức năng như thế này, thì thử hỏi bắt bao giờ mới hết người vi phạm?
>> Cấm xe máy thế nào khi giao thông 'rùa bò'?
Quả thực, số lượng xe máy hoạt động trên đường đang là quá khủng khiếp. Trong đó, hầu hết người đi xe máy lại có thói quen chạy ẩu, sẵn sàng lấn làn, đi ngược chiều bất cứ lúc nào có thể, miễn là giúp họ nhanh hơn, tiện hơn, thoát khỏi tắc đường. Và chắc chắn số kẻ gan lỳ này sẽ không bao giờ có thể kiểm soát và ngăn chặn được nếu phương tiện xe máy không bị cấm triệt để.
Có một số ý kiến từng than phiền việc cấm xe máy có thể gây nên những hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến công việc, mưu sinh của một bộ phận người dân lao động. Tuy nhiên, tôi cho rằng những tác động đó quá nhỏ khi so sánh với những gì mà giao thông của Hà Nội đang phải gánh chịu vì số lượng xe máy quá lớn, trong khi ý thức người dân lại quá tệ như bây giờ.
Quá tải giao thông; đường xá thường xuyên ùn tắc; phương tiện giao thông công cộng không thể phát triển nổi; mọi biện pháp gỡ rối như phân làn phương tiện, phân luồng ngã tư, xây cầu vượt... gần như "muối bỏ bể". Khi đó, hậu quả nặng nề sẽ tác động đến cả nền kinh tế và xã hội của thành phố chứ không chỉ là chuyện của riêng ai.
Chúng ta phải cấm xe máy, thậm chí cấm càng sớm càng tốt. Đừng ai phản bác hay bàn lùi nữa. Tôi nghĩ rằng chẳng có một lý do nào đủ thuyết phục để chúng ta tiếp tục bảo thủ với xe máy. Ý thức của người dân không thể thay đổi một sớm một chiều. Chờ hàng nghìn, hàng triệu người đi xe máy vô ý thức khi thay đổi thói quen là chuyện không tưởng. Nếu cứ suy nghĩ viển vông như vậy thì đường Hà Nội sẽ chẳng bao giờ hết tắc. Và rồi 10 năm nữa, người ta sẽ lại quay lại với câu hỏi: không cấm xe máy thì làm gì nữa đây?
Đồng Xuân
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.