Tắc đường Lê Văn Lương cho thấy vấn đề quy hoạch giao thông: phát triển xe công cộng làm chủ lực, hạn chế tối đa xe hơi cá nhân càng trở nên cấp bách ở Hà Nội (cũng như TP HCM) và phải làm ngay hôm nay.
Việc xây dựng nhà cao tầng ở hai bên đường Lê Văn Lương có sai phạm so với quy hoạch hay không là câu hỏi mà các cơ quan chức năng cần trả lời. Nhưng tôi chắc chắn một điều: vấn đề không phải mật độ xây dựng quá dày khiến dân số cao gây ra tắc đường. Dân số và mật độ dân cư ở Hà Nội không phải là quá cao so với nhiều thành phố lớn trên thế giới, nhưng quy hoạch phương tiện giao thông cũng như hạ tầng giao thông thì lại không đáp ứng được yêu cầu. Nhìn hai bên đường Lê Văn Lương, tôi thấy tầm nhìn tương lai về giao thông ở đây là gần như con số không: chúng ta gần như chịu chết nếu muốn mở thêm bến xe buýt, bến tàu điện ngầm, lối đi bộ kết nối các bến này ở đây.
>> 'Xe máy kín mặt đường vì Hà Nội phá vỡ quy hoạch'
Đường Lê Văn Lương dài 2 km, có khoảng 30 tòa nhà cao tầng, là các chung cư, văn phòng và trung tâm thương mại. Tôi cho rằng tỷ lệ này là bình thường, nếu ta so sánh với một số thành phố lớn trên thế giới. Ở New York có tới 6.202 tòa cao ốc, đường chỉ có hai làn xe mỗi chiều, nhưng tại sao người Mỹ không phải chịu nỗi khổ tắc đường xe máy chen chân ôtô hỗn loạn và ngột ngạt khói bụi như ở ta?
Đó là bởi họ có hệ thống giao thông công cộng phát triển bậc nhất thế giới với 469 nhà ga tàu điện ngầm (Subway) đang vận hành, 24 tuyến với tổng chiều dài 1.062 km; xe buýt cũng phủ khắp thành phố với số lượng trạm dừng khổng lồ giúp người dân dễ dàng đi lại; ngoài ra họ còn mở nhiều làn đường dành riêng cho xe đạp để khuyến khích người dân sử dụng xe đạp công cộng.
Trong khi đó, ngay tại Hà Nội, hãy nhìn sang các tuyến đường khác rất ít nhà cao tầng như Nguyễn Trãi, Trường Chinh, Cầu Giấy... nhưng tại sao vẫn trở thành những điểm đen của ùn tắc giao thông? Đúng là mật độ xây dựng ở New York rất cao, nhưng bù lại họ cũng rất chú tâm phát triển hạ tầng, ưu tiên phục vụ, kết nối phương tiện công cộng. Và đó mới là hướng đi đúng đắn, cho thấy tầm nhìn trong quy hoạch, mà chúng ta cần học hỏi.
Nhìn từ bài học giao thông công cộng trên thế giới, có thể thấy, vấn đề lớn nhất với Việt Nam nằm ở số lượng xe cá nhân quá nhiều; hạ tầng giao thông kém, chưa đồng bộ; thiếu xe công cộng; không có tàu điện ngầm... Đến giờ, sau hàng chục năm, chúng ta mới chỉ có một tuyến tàu điện trên cao và một tuyến buýt nhanh BRT, xe buýt cũng mới chỉ hoạt động cầm chừng, trong khi tàu điện ngầm vẫn chưa có. Với hệ thống phương tiện công cộng vừa yếu vừa thiếu như thế, làm sao người Việt thoát khỏi tắc đường?
>> 'Hãy kiên quyết từ bỏ xe máy'
Tóm lại, vấn đề tắc đường Lê Văn Lương không phải là vì mật độ xây dựng khiến dân cư đông, mà là quy hoạch xây dựng ở đây không có tầm nhìn về phát triển hạ tầng giao thông công cộng. Nhưng tầm nhìn giao thông của riêng khu Lê Văn Lương làm sao có được khi chúng ta đến giờ vẫn chưa có một tầm nhìn tổng thể cho cả Hà Nội, đó là phải phát triển phương tiện công cộng, cấm xe máy, hạn chế tối đa ôtô cá nhân.
Hạ tầng giao thông công cộng không phải là cứ đua mở đường cho thật to, thật rộng, mà phải là tạo điều kiện tối đa cho phương tiện giao thông công cộng (xe buýt, tàu điện) hoạt động. Đừng để chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn, muốn mở đường tàu điện, xe buýt thì lại than thở lấy đâu ra đất để làm đường ray, bến xe.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.