Kinh tế của nước ta thoát đi từ nông nghiệp lạc hậu, bởi vậy khi hòa nhập, đa số chúng ta có phần bị khớp và thường bê nguyên cách làm cách suy nghĩ cũ vào công cuộc đổi mới - rất tùy tiện kể cả trong các vấn đề về lý luận, lẫn thực tiễn. Lịch sử đã không ít lần cho thấy những sai lầm như vậy.
Chúng ta thường tự đặt ra cho mình những tiêu chuẩn kép, kiểu như nhanh nhưng không được vội vàng; gọn ghẽ nhưng phải tinh thông, không ẩu tả; phải từng bước đi lên, đặt bàn chân trước cho vững chắc rồi mới bước những bước tiếp theo... (chậm mà chắc). Hay như muốn cấm xe máy thì phải thế này, thế kia trước...
Xã hội vẫn còn đó đầy rẫy cách làm và suy nghĩ như vậy. Nếu như có cái xe đạp đã là niềm mơ ước của người Việt ở thập niên 60 của thế kỷ trước. Rồi đến khi có cái xe Honda ở thập kỷ 70, cũng vẫn những con người ấy với cách suy nghĩ ấy. Ngày nay, chúng ta lại đang ước vọng có cái ôtô thay vì nghĩ đến giao thông công cộng... Thời cuộc phát triển đến chóng mặt, thế giới trở nên phẳng hơn nhưng cái tầm của đại đa số chúng ta vẫn đang loay hoay ở nhịp hình sin lặn xuống, chưa vượt qua được mốc giới hạn.
Đúng như tác giả Minh Thành trong bài viết "Đổ lỗi người đi xe máy, vậy ai đang lái ôtô?" đã thống kê tình trạng giao thông ngay trước cửa nhà, có vô số những vi phạm luật giao thông diễn ra hằng ngày, hằng giờ. Chẳng lạ gì khi các tài xế ở ta cứ bê y nguyên suy nghĩ ứng xử khi đi xe máy lên ôtô. Vậy là mang tiếng mới từ bỏ cái xe máy, nhưng chúng ta vẫn cứ vô tư bẻ lái đi ngược chiều, chen nhau chí mạng để vượt lên khi phía trước có khoảng trống, chẳng cần biết tình hình ra sao...
>> Năm lý do nhiều người Việt 'không đón nhận xe buýt'
Vật chất đi trước ý thức là vậy, dù rằng có đọc, có học mấy ngày về lý thuyết giao thông đường bộ, nhưng nói thẳng ra là nhiều người chỉ mong vượt qua mấy câu hỏi của giám khảo hôm thi lý thuyết mà thôi. Còn đến lúc cầm vô lăng ngoài thực tế, chúng ta vẫn bị chi phối bởi suy nghĩ tức thời (cái này gọi là phản xạ). Mà suy nghĩ tức thời thì đâu thể có thời gian mở sách hướng dẫn trang mấy, căn cứ quy định này nọ để đọc đâu. Đó phải là kiến thức được rèn luyện, thâm canh ngày này qua tháng khác, ăn sâu vào tiềm thức chúng ta để trở thành phản xạ tự nhiên.
Tóm lại, hãy cấm đi xe máy, hạn chế đi ôtô cá nhân vào chỗ trung tâm thành phố. Với các thành phố lớn - nơi tập trung đông người, hãy mở các tuyến phố đi bộ và dành hẳn đường cho các phương tiện công cộng, những trường hợp khẩn cấp hoặc cho chạy xe theo khung giờ... Xe máy hay ôtô cá nhân chỉ nên được lưu thông ở những nơi thưa dân cư.
Xã hội có thể sẽ phản ứng gay gắt hoặc kinh tế đất nước có thể nhất thời bị ảnh hưởng bởi cách làm này. Nhưng mặt khác, chúng ta không thể để tình trạng giao thông mãi bế tắc như bây giờ, bởi lấy đâu ra quỹ đất để làm đường nữa khi mật độ phương tiện cá nhân cứ ngày một nhiều lên đến mức mất kiểm soát. Đến lúc mỗi nhà có một, hai cái ôtô thì chắc có lẽ chúng ta chỉ còn cách đào lỗ để chui xuống.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.