"Chừng nào người Việt vẫn chưa chịu từ bỏ xe cá nhân, thì những giải pháp như phân làn riêng giữa ôtô và xe máy cũng chỉ như vô vọng". Tôi xin dẫn lại câu mở đầu trong bài viết "Phân làn vô ích vì xe cá nhân quá nhiều" để đặt ra một câu hỏi: Vậy trách nhiệm thuộc về ai? Đúng là xe cá nhân cần phải được hạn chế để giảm tải cho giao thông, nhưng hãy ngẫm lại xem, hạ tầng giao thông công cộng của ta có gì rồi để đòi hỏi người dân phải từ bỏ xe cá nhân?
1. Xe buýt: Xe buýt truyền thống đã quá lạc hậu, trong khi thái độ phục vụ và quản lý vẫn quá yếu kém. Cơ chế khoán chuyến, khoán giờ từ lâu đã dẫn đến hệ quả xe đi lạng lách, bỏ bến, luôn tạo những xung đột khó chịu với các phương tiện khác trên đường. Thái độ phục vụ chưa thực sự đem lại cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Tôi không nói tất cả các tuyến xe đều như vậy nhưng hiện tượng này tồn tại không ít. Còn loại hình xe buýt điện của tư nhân cho thấy cách làm mới, chất lượng phục vụ khác biệt rõ rệt, tuy nhiên số lượng và phạm vi hoạt động vẫn còn khá khiêm tốn.
2. Tàu điện: Đây là một loại hình giao thông công cộng rất hiện đại, lưu lượng phục vụ rất lớn, tỷ lệ xung đột giao thông với các phương tiện khác gần như bằng "0". Tuy nhiên, tiến độ xây dựng và phát triển thế nào thì có lẽ ai cũng thấy. Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác đoạn trên cao vào năm 2021, nhưng rồi lại lùi lại đến tận một năm, cho đến tận cuối năm 2022. Như vậy là quá chậm trễ và trì trệ cho một loại hình giao thông không mang lại nhiều lợi ích lớn cho cả hệ thống giao thông công cộng và môi trường. Một khi các dự án về đường sắt đô thị vẫn có tốc độ triển khai thế này thì việc giảm thiểu phương tiện cá nhân, giảm ô nhiễm môi trường sẽ ngày càng xa vời.
3. Vỉa hè: Nơi đáng ra là phần đường dành riêng cho người đi bộ thì nay ngổn ngang những bãi giữ xe, hàng hóa lấn chiếm, hàng rong, chưa kể còn biến thành đường cho xe cộ đi vào giờ cao điểm.
>> Vì sao tôi vẫn đi làm bằng xe máy mỗi ngày?
Theo tôi, đây vẫn là câu chuyện con gà - quả trứng, đùn đẩy trách nhiệm. Tại sao chúng ta không tập trung xây dựng hệ thống giao thông công cộng cho thật đồng bộ, đặc biệt là các loại phương tiện không xung đột như tàu điện nội đô, cộng với việc cải thiện chất lượng phục vụ, thái độ phục vụ cho văn minh, lịch sự trước khi nghĩ đến những việc xa xôi hơn như hạn chế phương tiện cá nhân?
Thử hỏi 20 năm trời mới xây được một tuyến tàu điện thì làm sao có sự kết nối, hay người đi xe buýt vẫn phải nhận thái độ cộc cằn, thô lỗ của nhân viên thì làm sao thấy thoải mái và tiện dụng được?
Chừng nào chưa giải quyết được những vấn đề bất cập của giao thông công cộng như đã kể trên thì đừng mong chờ người dân chủ động từ bỏ phương tiện cá nhân. Kể cả có cấm xe máy mà giao thông công cộng không phát triển tương xứng, thì chắc chỉ có nước cấm nốt cả ôtô mới mong hết tắc đường.
Muốn người ta thay đổi hình thức di chuyển mà lại bắt đánh đổi thời gian và sự phiền toái gấp bao nhiêu lần thì liệu có hợp lý không? Kêu gọi người ta hy sinh quyền lợi cá nhân trong khi ý thức công cộng và tập thể chưa đủ thì liệu có khả thi? Theo tôi, chừng nào chưa phát triển được hệ thống giao thông công cộng một cách nghiêm túc và nhanh chóng thì chừng đó đừng mơ hạn chế được phương tiện cá nhân. Còn nếu bốn năm mà xây xong và vận hành, khai thác được năm tuyến đường sắt đô thị thì tôi tin người dân không cần cấm cũng tự giác bỏ phương tiện cá nhân.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.