Tôi năm nay 37 tuổi, là một người chạy xe máy đi làm hằng ngày tại Sài Gòn. Sau chuyến xuất ngoại đầu tiên, đi Singapore, vào tháng sáu vừa rồi, tôi có thể khẳng định rằng, người Việt sẽ không bao giờ bỏ được xe máy nếu chúng ta không chịu thay đổi ý thức hệ giao thông của mình.
Văn hóa Việt Nam gắn liền với công việc mưu sinh bám vào các con đường. Vì nơi ấy nhiều người qua lại nên người ta dễ buôn bán hơn. Chúng ta rất dễ dàng bắt gặp cái chợ cóc bên đường, người ta ngồi chồm hổm bên vệ đường, hàng quán mọc san sát bên nhau.
Ngay cả nhà ở, chúng ta cũng ráng bám vào mặt tiền đường. Như một câu nói vui về sự giàu sang: "Nhà mặt phố, bố làm to". Cái tiêu chí nhà mặt phố dường như trở thành đích đến mà bất cứ người Việt nào cũng đều muốn hướng tới. Cuối cùng, vì đất chật người đông, nên cái tư tưởng mặt phố ấy hình thành nên những ngôi nhà ống ở trung tâm thành phố. Khi con người cứ phải chui nhủi trong những căn nhà ống mặt phố để sinh sống, đương nhiên chẳng có phương tiện đi lại nào thuận tiện bằng chiếc xe máy.
Rồi văn hóa truyền thống của chúng ta cũng gắn liền với những gánh hàng rong. Mà hàng rong bán ở đâu? Lại là vỉa hè của các con đường trong thành phố. Để mua hàng rong thì phương tiện thuận tiện nhất lại một lần nữa là xe máy. Đôi khi tôi thấy chúng ta còn thi vị hóa hình ảnh gánh hàng rong lên thơ và nhạc. Vì trước giờ, chúng ta tin rằng có rất nhiều đứa con thành đạt từ những gánh hàng rong tần tảo của ba mẹ.
Và chúng ta mặc nhiên chấp nhận, hoặc tìm cách thỏa hiệp với hoạt động buôn bán hàng rong trên vỉa hè, coi chúng là một phần của cuộc sống. Để rồi, hệ quả là mấy chục năm nay, người Việt không bỏ được xe máy hoặc ít nhất là giảm bớt số lượng xe máy. Chúng ta không làm gì cả, hoặc phản đối bất cứ một để xuất thay đổi nào được đưa ra (như đề án cấm xe máy), chỉ tặc lưỡi "vì nước ta còn nghèo". Nhưng "nghèo" lẽ ra phải là lý do, là động lực để chúng ta thay đổi nhận thức, có hành động quyết liệt hơn để thay đổi tương lai, chứ không phải là lý do để ta chấp nhận những thứ yếu kém còn tồn tại.
>> Vì sao người Việt mãi quanh quẩn với xe máy?
Từ những thói quen sống ấy (thứ mà người ta vẫn ngộ nhận là văn hóa), sự xuất hiện của chiếc xe máy chẳng khác nào một tri ân, tri kỷ với người Việt. Xe máy ấy quá phù hợp với thói quen sinh hoạt của người Việt lắm: xe máy thồ hàng, xe máy chở người, xe máy kéo rơ-moóc, xe máy đi đến hang cùng ngõ hẻm, xe máy đưa ta đến bất cứ nơi đâu, đôi khi xe máy có thể lên tận căn hộ chung cư của ta, xe máy là phương tiện mưu sinh, đáp ứng đủ hết các nhu cầu của chúng ta...
Chỉ cần chân ta bước ra khỏi nhà, muốn đi đâu thì xe máy có thể đưa ta đến nơi ta cần. Làm gì có phương tiện nào tiện hơn xe máy. Và cũng chính vì sự tiện dụng ấy, nên tôi tin rằng nhà nước có xây dựng thêm hàng triệu tuyến xe buýt, hàng triệu tuyến tàu điện ngầm nữa cũng thể khiến người dân chủ động bỏ xe máy được.
Vì sao ư? Vì muốn đi xe buýt hoặc tàu điện ngầm, chúng ta buộc phải đi bộ khoảng 500 m đến một km. Mà như vậy thì đối với người dân nước tôi lại quá mệt. Vì đặc điểm khí hậu của Việt Nam nắng nóng, trưa hè oi bức, mà phải cuốc bộ tầm ấy quãng đường thì người ta sẽ than "mệt chết, hôi chết". Đi xe máy mà các bà, các chị đã phải trùm kín mít và được mệnh danh là "ninja" rồi, huống hồ còn cuốc bộ dưới trời nắng như thiêu như đốt kia, ai mà chịu nổi? Người Việt chỉ muốn vừa bước chân ra khỏi cửa là phải có cái gì đó để đi rồi, như xe máy chẳng hạn.
Như tôi đã nói ở trên, thói quen sinh hoạt xưa nay của người Việt đã diễn ra như vậy năm này qua tháng nọ. Người Việt và chiếc xe máy như cặp tình nhân, tri kỷ. Muốn thứ tình cảm đó không tồn tại nữa thì một trong hai sẽ phải thay đổi. Chiếc xe máy là vật vô tri, vô giác, không thể thay đổi. Nên thứ còn lại phải thay đổi chính là văn hóa sinh hoạt của dân Việt Nam, nói rộng hơn là ý thức hệ của người Việt.
Ý thức hệ đó phải thay đổi từ thượng tầng, từ các cấp quản lý có tâm và có tầm. Thay đổi ý thức hệ từ thượng tầng chưa đủ, phải có sự thay đổi ý thức hệ từ trong nếp sinh hoạt hằng ngày của người dân. Sẽ rất khó khăn nhưng nếu không làm thì không bao giờ đến đích, không bao giờ chúng ta bỏ được xe máy.
Còn nếu như chúng ta mãi không thay đổi, chúng ta cứ lựa chọn là một đất nước kém phát triển, đời sống cứ làng nhàng thì không sao cả, cứ việc đi xe máy. Chỉ sợ, chúng ta sẽ có lỗi với thế hệ con cháu sau này mà thôi.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.