Gần một tuần qua, tôi nhận thấy nhiều tuyến đường ùn tắc liên tục vì học sinh các cấp trở lại trường. Lượng người và phương tiện đưa đón học sinh đồng loạt đổ ra đường, đặc biệt là vào các khung giờ cao điểm (đầu giờ sáng và cuối giờ chiều).
Tôi đi làm hằng ngày từ 7h sáng, qua các trục đường từ Quang Trung, Trần Phú (Quận Hà Đông) và Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển (Quận Thanh Xuân). Tại tuyến đường này, thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải giao thông, có đoạn tắc nghẽn nghiêm trọng, xe máy, ôtô tràn lên vỉa hè, người đi bộ không còn nhận ra được đâu là vỉa hè, đâu là lòng đường? Di chuyển khó khăn nên cảm giác chung của người đi bộ là rất khó chịu.
Theo quan sát của tôi, nhiều phụ huynh sợ con bị muộn học, nhiều người không đủ kiên nhẫn chờ đợi, xếp hàng, đã chọn cách leo lên vỉa hè, tạo thành dòng người ngược xuôi, ngang nhiên chiếm dụng phần đường dành cho người đi bộ.
Tôi chứng kiến không ít cảnh xe máy chen lấn, đi vào làn đường của ôtô, bất chấp leo vỉa hè, đi sai làn, ngược chiều, tạt ngang đầu, luồn lách giữa làn ôtô... Khoảng cách từ nhà tôi đến cơ quan chỉ khoảng 4 km, tuy nhiên, vì phải vượt qua những tuyến đường với giao thông hỗn loạn như vậy, mà ngày nào tôi cũng mất ít nhất 60 phút mới đến được chỗ làm (đi từ 7h nhưng 8h mới có mặt ở cơ quan). Nếu muốn tránh cảnh tắc đường, có lẽ tôi chỉ có cách phải đi làm từ hơn 6h.
Mọi chuyện cũng chẳng khá hơn vào giờ tan sở, khi các tuyến đường trên đều xảy ra ùn tắc. Trên đường, xe cộ nhích từng chút một. Nếu muốn tránh tắc đường, tôi buộc phải về trước 16h30, nếu không sẽ mất hàng tiếng đồng hồ mới về được đến nhà.
Vậy là mỗi ngày, tôi phải dành ra tới hai tiếng đồng hồ chỉ cho việc di chuyển qua lại từ nhà đến cơ quan và ngược lại. Điều đó khiến tôi thực sự mệt mỏi và chán nản. So với trước ngày 6/4 (thời điểm học sinh Hà Nội được quay lại trường), rõ ràng mật độ giao thông di chuyển tại thủ đô đã tăng cao hơn đáng kể, cộng thêm ý thức điều khiển xe rất kém của nhiều người, nên thường xuyên gây ra ách tắc giao thông.
>> 'Biện minh xe buýt chưa phát triển để bảo thủ với xe máy'
Do đó, tôi rất mong lãnh đạo thành phố Hà Nội sẽ có những giải pháp kịp thời, nhằm giảm ùn tắc giao thông trong bối cảnh "bình thường mới", nhiều hoạt động học tập, lao động, vui chơi được tái khởi động như hiện nay. Theo tôi, một số giải pháp có thể áp dụng ngay lập tức, đó là:
Thứ nhất, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch giao thông vận tải.
Thứ hai, khi chưa có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, phải triển khai tổ chức giao thông hợp lý bằng cách tối đa hóa mạng lưới giao thông hiện có.
Thứ ba, phát triển vận tải hành khách công cộng như tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, hệ thống xe buýt nhanh... Điều này sẽ giúp người dân có thể tự lựa chọn phương tiện công cộng để đi lại chứ không nhất thiết phụ thuộc vào xe cá nhân. Đồng thời, áp dụng hạn chế xe cá nhân để giảm bớt mật độ xe cộ lưu thông trên đường. Tiến tới chỉ dùng xe đạp, xe đạp điện, ôtô điện hoặc sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời, năng lượng gió và đi bộ.
Thứ tư, xây dựng hệ thống giao thông thông minh, trong đó, bao gồm việc xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh để tối ưu hóa, cung cấp thông tin để người dân lựa chọn tuyến đường hợp lý.
Thứ năm, cần đầu tư có kế hoạch nhiều hơn vào phát triển hạ tầng giao thông, những tuyến đường xuyên tâm. Thậm chí có thể giảm bớt suất đầu tư cao tốc, tăng đầu tư giao thông đô thị nội đô.
Thứ sáu, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động giáo dục để xây dựng văn hóa giao thông. Tăng cường giáo dục người tham gia giao thông phải tuân thủ Luật Giao thông, trong đó tập trung giáo dục thế hệ trẻ ngay từ trong nhà trường để sau này sẽ quen với việc tuân thủ pháp luật.
Thứ bảy, tăng cường xử lý đối với hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.
>> 'Cấm xe máy để Hà Nội, TP HCM thật sự đáng sống'
Thứ tám, cần phân loại các phương tiện đi vào nội đô giờ cao điểm để hạn chế ùn tắc. Ví dụ, xe tải, xe khách chỉ được đi những tuyến đường nào, vào giờ nào? Ngoài ra, cần cấm taxi hoạt động giờ cao điểm tại các tuyến đường hẹp, đường xuyên tâm, nơi có mật độ phương tiện cao.
Thứ chín, tập trung phát triển thành phố vệ tinh, những khu đất còn để trống ở nội đô chỉ sử dụng để làm đường đi, các công trình giao thông, công viên cây xanh, trường tiểu học, mẫu giáo, bãi đỗ xe, các khu vui chơi giải trí cho trẻ con và người già.
Cuối cùng, giảm mật độ dân số tại khu vực trung tâm, nội thành. Trước mắt không cho xây thêm các trung tâm thương mại mới ở khu vực đông dân, từng bước di chuyển dân, cơ quan, trường học ra các khu mới, xa trung tâm, hình thành nhiều đô thị vệ tinh phân tán đều ở các vùng của Hà Nội.
Thực tế, thành phố đã có các giải pháp đồng bộ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, song cũng cần thẳng thắn thừa nhận, ùn tắc được kiểm soát trong thời gian qua có một phần đến từ ảnh hưởng của dịch Covid-19 (nhiều người phải nghỉ làm, nghỉ học để ở nhà tránh dịch). Còn giờ đây, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, học sinh trở lại trường học trực tiếp, lượng phương tiện tăng cao liên tục sẽ khiến nhiều tuyến đường ùn tắc trở lại. Điều này đòi hỏi các cơ quan liên quan cần có giải pháp quyết liệt và tức thì hơn nữa.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.