Nhiều người cứ luôn miệng nói lý thuyết rằng ôtô chiếm nhiều diện tích giao thông trong khi xe máy chiếm ít hơn, giúp lưu thông dễ dàng hơn trên cùng một diện tích mặt đường, không nên cấm xe máy. Nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Khi đứng yên, đúng là bốn xe máy có thể tương đương với một ôtô, nhưng khi lưu thông thì hai xe máy cũng chiếm diện tích tương đương một ôtô rồi, vì chẳng có xe máy nào di chuyển sát nhau cả.
Khi cấm xe máy, sẽ chỉ khoảng 10% trong số đó chuyển sang đi ôtô, vì ngoài giá mua xe cao thì chi phí nuôi ôtô cũng không hề rẻ. Người độc thân thu nhập dưới 20 triệu đồng cũng không dám nghĩ tới việc sở hữu ôtô. Từ đó, có thể thấy, khi cấm xe máy, 10 người đi xe máy sẽ đổi thành một người đi ôtô, còn lại là đi xe buýt và các phương tiện công cộng khác. Trong khi 10 xe máy di chuyển tương đương với năm chiếc ôtô. Như vậy, rõ ràng áp lực giao thông sẽ giảm đáng kể. Dó là lý do phải cấm xe máy và hạn chế ôtô.
Thật ra, giao thông hỗn loạn như ngày nay tất cả bắt đầu từ văn hóa xe máy mà ra, rồi người ta mang nó lên ôtô, thành ra loạn càng loạn. Ai cũng thể thấy rằng ở Việt Nam, mọi người bắt đầu đi xe máy trước rồi mới lên đời ôtô. Khi bắt đầu đi xe máy, hầu hết tất cả mọi người đều tự học lái theo bản năng, không được trang bị kiến thức đầy đủ về kỹ năng điều khiển xe, cũng như luật giao thông đường bộ. Dù phạm luật nhưng vì thấy ai cũng đi như vậy, nên chúng ta mặc định điều đó là đúng, chấp nhận cái sai theo kiểu cảm tính (leo lên vỉa hè cho thoát tắc đường).
Rồi đến khi lấy được bằng lái xe máy, chúng ta vẫn đi theo cách cũ vì ai cũng như ai. Dù rằng khi học lấy bằng lái xe, chúng ta đều được học đầy đủ về kỹ năng điều khiển xe và luật giao thông đường bộ, nhưng tất cả đều bị quên đi khi tham gia giao thông. Đến khi được lái ôtô, chúng ta lại đem nguyên cái thói quen chen ngang, giành đường, bấm còi bất chấp... lên theo. Nếu nói một số người lái ôtô thiếu văn hóa giao thông thì đó chính là do văn hóa xe máy còn sót lại.
>> Đổ lỗi người đi xe máy, vậy ai đang lái ôtô?
Thực tế, ở Việt Nam, nhất là các thành phố lớn, xe máy cứ ra đường là gần như đều phạm luật. Những ai khẳng định bản thân không bao giờ vi phạm luật giao thông khi đi xe máy thì đơn giản là họ không hiểu luật, không biết mình sai mà thôi. Còn về chế tài xử phạt thì chúng ta đã có rồi, thậm chí chế tài cao như Nghị định 100 cũng có luôn. Nhưng tại sao xe máy vẫn không "ngoan ngoãn"? Đơn giản vì xử lý không xuể. Những chế tài như phạt nguội, giáo dục ý thức thì ai cũng biết cả rồi, nhưng vẫn không giải quyết được.
Nhìn từ Đài Loan, nơi có mật độ xe máy đông nhất thế giới, họ vẫn cố gắng giảm số lượng xe tay ga lưu thông và khuyến khích nhiều người tham gia giao thông công cộng, thiết lập chính sách "người đi bộ là trên hết", xây dựng làn đường dành riêng cho xe đạp... Vậy ở Việt Nam thì sao? Nói đến dẹp vỉa hè là nhiều người lại mang cái nghèo ra bao biện, xây dựng BRT thì bị kêu lãng phí, cấm xe máy thì bị than bất tiện... Vậy chúng ta có giải pháp hiệu quả nào khác để giải quyết tình trạng giao thông hỗn loạn này?
Quan điểm cá nhân tôi là chúng ta cần cấm xe máy, hạn chế ôtô cá nhân ở trung tâm các thành phố lớn là tiền đề để giãn dân, giải thoát vỉa hè, phát triển hệ thống giao thông công cộng. Nếu không có xe máy, hàng quán sẽ không chiếm vỉa hè làm nơi đậu xe; hàng rong cũng tự động biến mất vì chẳng còn bán được cho ai; ưu thế hàng quán mặt tiền đường không còn mà sẽ chuyển vào các trung tâm thương mại, phố đi bộ, gần các trạm xe, bến xe; không còn cảnh xe máy bon bon trên vỉa hè mỗi khi đường tắc. Và vỉa hè khi đó mới thực sự dành cho người đi bộ.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net