Tôi vừa trở về nhà sau hai tiếng đồng hồ vật vã ngoài đường vì ùn tắc mọi ngả. Quang đường từ công ty về nhà chỉ khoảng ba km nhưng dường như chưa có hôm nào tôi đi dưới một tiếng đồng hồ. Và những ngày như hôm nay quả thật là đỉnh điểm của sự mệt mỏi. Tội tự hỏi rằng người Việt chúng ta sẽ cam chịu cái cảnh khổ cực này đến khi nào?
Những năm qua, thành phố nơi tôi sinh sống và làm việc đã thay hình đổi dạng trông thấy. Những tòa nhà cao tầng mọc lên như nấm, những con đường liên tục được mở rộng lên tới 6-8 làn xe, rồi cầu vượt, hầm chui, đường trên cao... người ta dường như đang làm mọi cách để bộ mặt đô thị trở nên hiện đại hơn. Nhưng chỉ có duy nhất một thứ chưa bao giờ thay đổi giữa thành phố hiện đại này, đó là tắc đường - thứ "đặc sản" mà mỗi khi nhắc tới, tôi tin ai từng nếm trải cũng cảm thấy rùng mình.
Thực tế là dù đường có mở to đến đâu, nhiều tầng, nhiều lớp thế nào, thì rồi lượng xe cá nhân cũng lại nhanh chóng phủ kín bề mặt trong một thời gian ngắn. Chính những con đường hiện đại nhất, to đẹp nhất giờ đây lại trở thành những điểm nóng về giao thông khi mật độ phương tiện cá nhân liên tục tăng theo cấp số nhân từng ngày, từng giờ. Có điều, dù hạ tầng giao thông có phát triển đến mấy cũng chẳng bao giờ đuổi kịp tốc độ gia tăng về số lượng xe máy, ôtô của người dân. Thế nên tắc vẫn cứ tắc, và người ta cứ ngày này qua tháng nọ cắn răng nhích từng mét trên những con đường thuộc dạng to, đẹp nhất nước.
>> 'Xe máy cản đường phát triển của xe buýt, tàu điện'
Gần đây, theo dõi các bài viết trên VnExpress, tôi lại thấy tranh cãi gay gắt về đề án hạn chế xe máy tại năm thành phố lớn, tiến tới dừng hoạt động loại phương tiện này trước năm 2030. Khỏi phải nói, một lượng không nhỏ trong đó là các ý kiến phản đối. Người ta phản biện đề án này bằng những câu hỏi như tại sao lại cấm xe máy, sao không cấm ôtô, sao lại đổ lỗi tắc đường do xe máy, cấm rồi đi bằng gì, giao thông công cộng đã phát triển đâu mà cấm...? Tôi không bất ngờ trước phản ứng này, bởi ai cũng biết, xe máy là phương tiện di chuyển chính của người Việt suốt nhiều chục năm qua. Và vì chiếm đa số nên họ đương nhiên không dễ chấp nhận việc bị hạn chế sử dụng phương tiện này.
Nhưng dường như, hầu hết những người phản đối cấm xe máy chỉ đang nhìn nhận và đánh giá câu chuyện này dựa trên góc độ của người đi xe máy. Chính tôi cũng là một người đang dùng xe máy làm phương tiện chính, nên hiểu rất rõ sự tiện lợi, cơ động của nó. Dễ luồn lách, tạt ngang tạt ngửa bất cứ lúc nào, leo lên vỉa hè, quay đầu mọi nơi, xuyên thẳng qua các ngõ ngách, dừng đỗ bất cứ nơi nào... với ngần ấy "công dụng", chẳng trách mà người ta thích đi xe máy đến vậy. Đó là chưa nói đến chuyện giá thành rẻ, không bị phạt nguội, dễ lấy bằng, dễ điều khiển... Xét về mọi khía cạnh, xe máy gần như không có đối thủ cạnh tranh.
Chắc sẽ có người thắc mắc, nếu xe máy tiện như thế, cơ động như thế, thì cớ gì lại cấm rồi bắt người dân phải sử dụng những phương tiện công cộng chẳng hề thoải mái, tiện nghi như xe buýt, tàu điện? Xin khẳng định rằng, xe máy không phải nguyên nhân duy nhất gây tắc đường. Ở đây, chúng ta phải hiểu rằng, phương tiện cá nhân nói chung (bao gồm cả ôtô lẫn xe máy) đều góp phần vào việc khiến giao thông Việt Nam quá tải và lộn xộn. Và đương nhiên chúng ta cần hạn chế cả hai.
>> 'Đi xe đạp 26 km một ngày tiện lợi hơn ôtô, xe máy'
Tuy nhiên, xin hỏi làm thế nào để hạn chế xe máy khi số lượng của loại phương tiện này đã đạt đến con số quá lớn, thậm chí mất kiểm soát. Chẳng lực lượng nào có thể tuần tra, kiểm soát, và xử lý xuể xe máy. Cách duy nhất chỉ có thể là cấm hẳn. Còn với ôtô, ít nhất vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát, chúng ta có thể phạt nguội và dùng nhiều biện pháp khác để hạn chế số lượng phương tiện này (bằng các chính sách thuế và phí vào nội đô đang được tiến hành). Đó là lý do vì sao chủ trương đề ra là cấm xe máy và hạn chế ôtô cá nhân. Ở đây, hoàn toàn không hề có sự thiên vị, phân biệt đối xử nào.
Phương tiện công cộng cần phải được coi là trung tâm của giao thông ở bất cứ xã hội văn minh nào. Tiếc rằng, vẫn còn quá nhiều người Việt bảo thủ với xe máy nói riêng và xe cá nhân nói chung. Muốn xe buýt, tàu điện phát triển, ít nhất chúng ta phải tạo cho chúng một không gian đủ lớn, ít nhất cũng không phải lo luồn lách, giành giật từng mét đường với xe cá nhân để không bị trễ giờ.
Mặt khác, khi không còn xe máy trên đường, ôtô cũng bị hạn chế, lượng người có nhu cầu đi xe buýt, tàu điện cũng sẽ tăng lên đáng kể. Đó sẽ là cơ hội để dòng tiền đầu tư đổ vào giao thông công cộng, chất lượng dịch vụ chắc chắn cũng sẽ tăng lên theo thời gian để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Đừng vội đòi hỏi xe công cộng phải thế này, thế kia, khi bản thân chúng ta còn chưa mở lòng đón nhận dịch vụ của chúng.
Tôi cũng thấy một số người nói rằng, đến đi bộ còn chẳng có vỉa hè mà đi, thì sao mà ủng hộ xe buýt được? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta lại phải lật lại nguyên nhân mà vỉa hè bị lấn chiếm. Hiện nay, vỉa hè tại Việt Nam bị người ta ngang nhiên chiếm dụng vì các lý do: buôn bán hàng hóa, làm chỗ để xe máy, hoặc bị chính xe máy leo lề giành đường.
>> 'Cấm xe máy để không mất một giờ cho đoạn đường bốn km'
Vậy nếu cấm xe máy thì sao? Vỉa hè sẽ không còn bị xe máy chiếm mất là chỗ đậu hoặc đường đi. Trong khi đó, khi không còn khách hàng (người đi xe máy), những người kinh doanh trên vỉa hè biết bán hàng cho ai (người đi ôtô chẳng bao giờ tạt ngang mua đồ vỉa hè vì làm gì có chỗ đỗ, lại dễ bị phạt nguội)? Như vậy, chẳng phải vỉa hè sẽ tự khắc được trả về cho người đi bộ hay sao?
Tóm lại, xe máy có thể không phải nguyên nhân duy nhất gây tắc đường, những người đi xe máy có ý thức (số lượng rất nhỏ) cũng không có lỗi, nhưng cấm xe máy sẽ giải quyết được rất nhiều thứ lớn lao: tạo cơ hội cho giao thông công cộng phát triển, giảm tải đáng kể áp lực giao thông, tiến tới một xã hội văn minh, phát triển bền vững. Vậy cớ gì người Việt không mạnh dạn thay đổi tư duy, từ bỏ thói quen đi xe máy không còn phù hợp với đời sống hiện đại?
Tôi biết, không dễ gì để thay đổi nhận thức của con người, nhất là khi chúng ta đã quá quen với việc ra đường cùng chiếc xe máy suốt hàng chục năm qua. Nhưng khó không có nghĩa là không làm. Bản thân tôi, dù đến giờ vẫn đi xe máy, nhà chẳng có cái ôtô nào, và cũng không có ý định mua xe hơi, nhưng tôi vẫn ủng hộ nhà nước loại bỏ phương tiện di chuyển chính của mình. Có thể tôi sẽ mất một phần tiện lợi, thêm nhiều phiền toái hơn, nhưng tôi tin nói sẽ chỉ là những cản trở ban đầu. Khi vượt qua được và quen dần với một cuộc sống không xe máy, ít ôtô, tôi tin chúng ta sẽ nhận lại được nhiều hơn những gì đã mất.
Hy sinh cái lợi cá nhân vì sự phát triển chung của cả xã hội, tôi mong người Việt sẽ làm được điều đó.
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.