Để giao thông công cộng từng bước thay thế được vai trò của xe máy, theo tôi là một ý tưởng rất viển vông. Dù giao thông công cộng có phát triển, thuận tiện và phục vụ tốt như thế nào thì người Việt cũng không bao giờ từ bỏ xe máy nếu không bị cấm.
Không phải lúc nào chúng ta cũng có thể sao chép y nguyên khuôn mẫu từ nước ngoài để áp dụng vào Việt Nam được. Với tình hình cụ thể ở nước ta, xe buýt sẽ là phương tiện công cộng chủ đạo tạm thời. Để hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng sẽ tốn rất nhiều thời gian và tiền của, nhưng thế nào là hoàn thiện thì chúng ta không có đáp án cuối cùng. Trong khi đó, người đi xe máy luôn phản đối, mục đích cuối cùng của họ là không phải xa rời chiếc xe máy.
20 năm trước, người ta nói xe buýt rất tệ. Giờ đây, sau 20 năm, ở Sài Gòn, xe buýt đã tốt hơn rất nhiều, nhưng mấy ai chịu từ bỏ xe máy? Vậy liệu 20 năm tới mọi người có từ bỏ xe máy để chấp nhận hệ thống giao thông công cộng mới hay tiếp tục hô hào không cấm xe máy như bây giờ? Nhiều người thích than thở ai oán, hay lấy cái nghèo và đủ thứ trên đời ra để biện minh. Vì vậy, trước cũng thế, sau cũng thế, sao không dứt khoát ngay từ lúc này để chúng ta không có lỗi với thế hệ con cháu?
Bây giờ vẫn có những doanh nghiệp đầu tư vào giao thông công cộng, nhưng rất ít và phải kèm theo trợ giá thì họ mới chịu tham gia. Nhưng hãy thử cấm xe máy, hạn chế ôtô cá nhân thử xem, họ có tranh nhau đầu tư không? Nếu tôi có tiền cũng đầu tư mà không cần trợ giá vì tiềm năng lợi nhuận cao.
Nhưng để huy động được nguồn lực này thì phải có một kế hoạch cho doanh nghiệp thấy được nhiều cơ hội khi họ đầu tư vào hệ thống xe buýt công cộng. Và đó chính là cấm xe máy. Không cấm xe máy thì ai dám đầu tư vào hệ thống xe buýt công cộng? Đó là bài toán kinh tế rất đơn giản mà người đi xe máy vì lợi ích cá nhân sẽ luôn bỏ qua.
>> 'Cấm xe máy' nhìn từ đường Lê Văn Lương
Nhiều người nói cấm xe máy chỉ giải quyết phần ngọn nhưng chính họ lại chẳng đưa ra được giải pháp nào hợp lý hơn. Họ cứ hô hào phát triển giao thông công cộng, quy hoạch đô thị... trước rồi mới cấm xe máy. Vậy phát triển như thế nào, quy hoạch như thế nào thì mấy người nói được. Trong khi xe máy còn đầy rẫy ở đó thì không bao giờ chúng ta phát triển được giao thông công cộng. Có người còn nghĩ khi giao thông công cộng tốt thì mọi người sẽ tự giác từ bỏ xe máy, phải chăng họ đang quá ngây thơ?
Trung Quốc đã cấm xe máy từ 35 năm trước, khi hệ thống giao thông của họ chưa tiện lợi như bây giờ. Đó là đất nước có nền văn hóa, con người gần tương đồng với chúng ta nhất trong tất cả các nước trên thế giới. Nên hoàn toàn có thể làm hình mẫu để chúng ta học hỏi.
Về việc giãn dân, doanh nghiệp, theo tôi cũng không cần nhiều sự điều tiết. Chỉ cần cấm xe máy, cấm xây dựng thêm chung cư, trường đại học ở khu vực trung tâm, thì dân sẽ tự giãn. Ai không giãn thì phải chấp nhận hệ thống giao thông công cộng. Đó là sự lựa chọn bắt buộc.
Chợ dân sinh thì chủ yếu giải quyết nhu cầu của người dân trong bán kính 500 m, có thể đi bộ được. Cách đây 30-40 năm, má và ngoại tôi vẫn thường đi bộ 500-600 m để đi chợ Nguyễn Văn Trỗi ở Quận 3, TP HCM, cũng đâu có vấn đề gì. Cớ sao bây giờ lại không đi được? Vì họ lười thôi. Ngoài ra còn có các hệ thống siêu thị hay siêu thị mini trải rộng khắp trung tâm thành phố rồi.
>> 'Chục năm tới khó cấm được xe máy'
Trong đề xuất giải pháp của tôi nêu trước đây, chúng ta cấm xe máy cá nhân và cho các doanh nghiệp vận chuyển được đăng ký xe máy vận chuyển (chỉ doanh nghiệp đăng ký ngành nghề vận chuyển), nhân viên giao hàng bằng xe máy phải mặc đồng phục, bảo hộ lao động (giày, nón, găng tay đều theo đồng phục).
Nhân viên giao hàng luôn phải trải qua các đợt kiểm tra định kỳ về kỹ năng và kiến thức về luật để được cấp chứng chỉ hành nghề. Xe máy hành nghề luôn gắn thùng hàng với kích cỡ theo quy định phía sau để tránh việc vận chuyển người, cũng như phải đăng kiểm, có hạn sử dụng và thông tin doanh nghiệp dán trước xe. Những việc này để phân biệt xe máy cá nhân đi vào khu vực cấm.
Ngoài ra, cũng cần đưa ra nhiều chính sách để hạn chế ôtô cá nhân ở khu vực trung tâm nhằm hạn chế người đi xe máy chuyển sang ôtô cũng như khuyến khích người đang đi ôtô chuyển sang phương tiện công cộng. Khi đó tự nhiên phương tiện công cộng sẽ có nhiều không gian để hoạt động, sẽ không còn tình trạng trễ giờ. Đó mới gọi là phát triển.
>> 'Loay hoay cấm xe máy khi giao thông công cộng còn yếu và thiếu'
Tóm lại, cấm xe máy sẽ được những gì?
Đầu tiên là giảm số vụ tai nạn cũng như số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Thứ hai là nạn lấn chiếm vỉa hè sẽ giảm vì kinh doanh mặt tiền sẽ không còn cơ hội ăn theo văn hóa xe máy.
Thứ ba là tiền đề để phát triển giao thông công cộng. Bây giờ giao thông công cộng có quy hoạch tốt đến mấy thì người dân cũng không bao giờ chịu từ bỏ xe máy.
Và còn nhiều lợi ích khác mà tôi không thể đề cập hết ở đây. Đó là bức tranh cuối cùng chúng ta có thể nhìn thấy.
IT Kid
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.